Bao giờ đầu tư xây dựng hạ tầng dự án nuôi trồng thủy sản tập trung ở Mộc Nam?

Ngày 24/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ- UBND phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Mộc Nam (Duy Tiên) với tổng mức đầu tư khoảng 105 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường, hệ thống thủy lợi.

Trang trại nuôi cá, vịt của gia đình ông Nguyễn Sỹ Tùng ở khu nuôi trồng thủy sản tập trung xã Mộc Nam (Duy Tiên) cho thu nhập cao.

Những năm qua, UBND xã tích cực vận động các hộ tham gia dự án nhằm khai thác tiềm năng vùng đất trũng tại địa phương. Tính đến hết năm 2018, toàn xã có 28 hộ chuyển đổi mô hình cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản trên diện tích gần 71 ha, đạt hơn 70% tổng diện tích quy hoạch.

Tuy nhiên, vì sao mấy năm qua cơ sở hạ tầng tại đây vẫn chưa được đầu tư xây dựng? Đây là câu hỏi và cũng là nỗi niềm của các hộ đang xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung ở Mộc Nam.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh của HTXDVNN Mộc Nam, trong 5 năm (2014 – 2019)  mô hình sản xuất đa canh, trang trại (lúa, cá, sen) giá trị thu nhập tăng hơn nhiều lần so với trước đây. Các hộ tham gia xây dựng mô hình đặc biệt coi trọng đầu tư kinh phí khoanh vùng sản xuất, đưa các loại giống vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao như: nhãn Hương Chi, bưởi, cam, mít Thái... vào sản xuất. Tính bình quân hằng năm giá trị thu nhập đạt từ 150 – 170 triệu đồng/ha đất canh tác.

Ông Nguyễn Sỹ Tùng, người tham gia mô hình cho biết: Với hơn 4 ha ruộng trũng, gia đình đã khoanh vùng nuôi các loại cá và thả hơn một nghìn con vịt sinh sản. Bình quân sản lượng cá mỗi năm thu khoảng 30 tấn.

Hộ ông Bùi Văn Việt hiện nhận khoảng 6 ha ruộng trũng khoanh vùng cấy lúa, thả cá và trồng  khoảng 5 ha sen. Vụ này, giá hạt sen tươi tăng hơn 10 nghìn đồng/kg, hiện là 38 – 40 nghìn đồng/kg. Đầu ra rất thuận lợi, tiểu thương đến tận nơi thu mua. Bình quân một ha sen trừ chi phí gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã hiện một số tuyến đường trong khu nuôi trồng thủy sản tập trung đang xuống cấp. Trong đó, 2 tuyến đường có chiều dài khoảng 3,3 km được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí kết hợp nhân dân đóng góp xây dựng mặt đường rộng 2,5 m hiện nhiều vị trí mặt đường bong, vỡ. Đặc biệt, một số đoạn phía kênh mương chân hoắm sâu.

Với đoạn từ trạm y tế đến địa phận xã Mộc Bắc, đường bê tông dài khoảng 1 km, chiều rộng 3,5m, dày 20 cm đang xuống cấp nặng. Theo nguyện vọng của các hộ ở đây, nếu hệ thống đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sẽ phát huy được hiệu quả.

Ông Lương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam cho biết: Những năm qua, UBND xã đã 4 lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư triển khai dự án để các hộ yên tâm đầu tư sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Về phía UBND xã, 5 năm qua đã thường xuyên chỉ đạo HTXDVNN tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 12 lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cá cho khoảng 700 người. Tháng 4/2019, Mộc Nam đã thành lập Chi hội nuôi trồng thủy sản với 27 hộ tham gia.

Hiện, UBND xã đang chuẩn bị các điều kiện để thành lập HTX thủy sản. Những yếu tố này chính là điều kiện thuận lợi góp phần mang lại hiệu quả khi dự án nuôi trồng thủy sản tập trung triển khai trên địa bàn.

Phùng Thống

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy