Bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện bình thường mới

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm tính bền vững của việc kéo giảm 3 tiêu chí tai nạn giao thông (TNGT) cũng như nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người tham gia giao thông.

Trong 10 tháng năm 2021, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, ngành, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tốt (TNGT giảm: 10 vụ, 11 người chết, 10 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020), không để xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào tỉnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: TNGT mặc dù giảm nhưng chưa thực sự bền vững, chủ yếu là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, các địa phương đang chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, tạo áp lực cho công tác bảo đảm TTATGT. Người dân sau thời gian dài giãn cách tỏ ra lơ là trong việc chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT. 

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông  trong điều kiện bình thường mới
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra việc chấp hành quy định về ATGT và phòng, chống dịch đối với lái xe đưa đón công nhân KCN Đồng Văn. 

Trước thực trạng đó, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu gương, tự giác chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân, doanh nghiệp nội dung, yêu cầu kiểm tra về phòng chống dịch khi tham gia giao thông, phương án phân luồng, xử lý từ xa đối với hoạt động giao thông đường dài… để người dân hiểu, tuân thủ quy định và ủng hộ lực lượng chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT, phòng chống dịch bệnh. 

Để kiểm soát chặt chẽ tình hình TTATGT và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD), Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tích cực tham mưu với UBND tăng cường giải pháp bảo đảm ATGT; xây dựng kịch bản phù hợp, bảo đảm hoạt động vận tải an toàn, chủ động trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Bạch Dương, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái, Sở GTVT cho biết: Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về tổ chức vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện khôi phục SXKD, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng, chống dịch, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo kế hoạch, hoạt động vận tải được phân thành 4 cấp (nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao). Và theo công bố cấp độ dịch, Hà Nam thuộc cấp độ 1 và 2, do đó hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn hoạt động bình thường, công dân trên địa bàn có thể di chuyển bằng các loại hình vận tải đường bộ (xe khách tuyến cố định, xe khách, xe hợp đồng, taxi). 

Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về phòng, chống dịch; công bố công khai những yêu cầu vận chuyển đối với hành khách theo quy định. Bố trí phương tiện, vật dụng bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch (dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi...); yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình, chỉ dừng, đỗ, đón, trả khách tại những địa điểm theo quy định. Cùng với đó, bố trí nhân viên (hoặc bộ phận y tế) phối hợp với y tế địa phương xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 tại nơi làm việc. Đồng thời, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển (thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải).

Đối với hành khách, kế hoạch tổ chức vận chuyển hành khách của Sở GTVT cũng có những hướng dẫn rất cụ thể. Theo đó, hành khách khi tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm thông điệp “5K”, khai báo y tế đầy đủ. Đơn vị tổ chức vận chuyển hành khách phải tổ chức xét nghiệm đối với trường hợp hành khách có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, những trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ, đến từ địa bàn dịch cấp 3, cấp 4 hoặc cách ly y tế, vùng phong tỏa; không yêu cầu xét nghiệm khi tham gia giao thông nội tỉnh. Người tham gia giao thông đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và đã khỏi bệnh chỉ xét nghiệm trong trường hợp có yêu cầu điều tra dịch tễ. Sở GTVT cũng đã đề nghị các cấp, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động phương tiện vận tải, UBND cấp huyện chỉ đạo chính quyền và cơ quan y tế cơ sở quản lý, giám sát chặt chẽ công dân sau khi tham gia giao thông, hoạt động vận tải khi về nơi lưu trú, cư trú.

Bên cạnh những biện pháp của lực lượng chức năng trên đây, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 rất cần sự đồng lòng, chung tay của người dân trong chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch khi tham gia giao thông, qua đó hạn chế để dịch bệnh lây lan phức tạp ra cộng đồng, góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.