Bài học từ phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường... Ở Hà Nam, sau 3 tháng bị xâm nhiễm DTLCP, hơn 73.150 con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng 4.300 tấn. DTLCP đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm, đồng thời đặt ra những vấn đề lớn đối với phát triển chăn

Khử trùng tiêu độc và tiêu hủy lợn bị lây nhiễm DTLCP tại xã Nhân Đạo (Lý Nhân). Ảnh: Mạnh Hùng

Ngay khi DTLCP xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình (2 tỉnh giáp ranh với Hà Nam), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 442/KH-UBND ngày 25/2/2019  về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT cũng gấp rút chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Các hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại hộ chăn nuôi, giám sát việc vận chuyển, buôn bán lợn, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi... được tăng cường với tần suất cao.

Chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh DTLCP, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Chủ trương của tỉnh là quyết liệt phòng chống dịch bệnh, nhưng cần thận trọng trong từng việc. Không tiêu hủy cả đàn, mà chỉ tiêu hủy lợn bệnh để giảm tổn thất về kinh tế.

Khác với các loại bệnh dịch truyền nhiễm thường gặp, DTLCP không có vắc-xin phòng ngừa và thuốc chữa trị. Vì vậy, từ một ổ dịch tại Văn Xá (Kim Bảng) chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, DTLCP đã lan rộng ra cả các xã trên địa bàn tỉnh, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và phát triển ngành chăn nuôi.

Tính phức tạp và mức độ lây lan nhanh của DTLCP đã đặt ra những yêu cầu mới cả về nhận thức cũng như cách thức tổ chức phòng, chống những bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao. Nhất là khi, chăn nuôi lợn đang đóng góp tỷ trọng lớn (78%) vào mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Nếu như chăn nuôi lợn lâm vào tình trạng khủng hoảng thì ngành nông nghiệp không chỉ mất đi yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng, mà ngân sách nhà nước còn phải chi thêm cho địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh (phòng chống dịch, xử lý ô nhiễm môi trường...). Đây là thiệt hại kép.

Ông Nguyễn Thành Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Tính đến 28/5/2019, trên địa bàn huyện Lý Nhân có trên 25.000 con lợn mắc bệnh DTLCP bị tiêu hủy. Có ngày, huyện ghi nhận 5 xã có ổ dịch, cao điểm có ngày tới 14 xã. Dịch dồn dập, nhiều xã không đủ lực lượng hỗ trợ công tác kiểm đếm tổng đàn, không còn vị trí để chôn, tiêu hủy lợn bệnh. Công tác phòng, chống DTLCP gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ Lý Nhân, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng gặp phải những khó khăn tương tự: thiếu nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh, không đủ kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch, thiếu diện tích đất chôn lấp lợn bệnh… Chính phủ đã ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do nhiễm DTLCP. Vì vậy, công tác thống kê, kiểm đếm tổng lượng (đầu con, số lượng), chủng loại lợn mắc bệnh bị tiêu hủy ở các ổ dịch mỗi ngày phải được thực hiện chuẩn xác, tránh để xảy ra sai sót, hậu quả khó giải quyết.

Thực tế cho thấy, chính quyền cơ sở đã không lường hết được tính phức tạp trong việc đối phó với DTLCP. Vì từ trước đến nay, chưa có dịch bệnh nào trên đàn lợn phải tiêu hủy nhiều đến thế! Việc quy hoạch, dành quỹ đất cho tiêu hủy gia súc, gia cầm nhiễm bệnh chưa được tính đến. Cơ chế lây lan của DTLCP khó xác định, không kiểm soát được nguồn lây nhiễm khiến cho việc khống chế bệnh dịch càng khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Đến giờ có thể khẳng định, việc giữ tổng đàn và khống chế hoàn toàn bệnh DTLCP là rất khó. Nguyên nhân là do vi rút gây DTLCP tồn tại rất lâu trong môi trường. Véc-tơ lây lan đa dạng, nguồn lây nhiễm khó khống chế… Vấn đề cần quan tâm hàng đầu  chính là thực hiện các giải pháp để giảm thiệt hại về kinh tế và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sau khi tiêu hủy lợn bệnh.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công tác phòng, chống bệnh DTLCP đã để lại những bài học lớn. Một là, cần phải củng cố ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các địa phương, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên. Ban chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo phương châm “4 tại chỗ” như phương án phòng chống thiên tai.

Trong những ngày qua, mặc dù cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT đã xuống tận cơ sở hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống, xử lý dịch bệnh, nhưng nhiều địa phương vẫn còn rất lúng túng trong chỉ đạo, điều hành.  Hai là, cần quy hoạch và thực hiện quy hoạch về phát triển chăn nuôi lợn. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học là những hộ có nguy cơ lớn bị dịch bệnh gây hại.

Về lâu dài, cần quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giám sát, quản lý phát triển chăn nuôi tốt hơn. Để làm được điều đó, những hộ chăn nuôi phải thay đổi nhận thức về phát triển chăn nuôi. Ba là, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh. Điều này rất quan trọng. Trong đó, người dân và chính quyền cơ sở phải chủ động xử lý yếu tố gây bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan…

Nhiều ý kiến cho rằng, DTLCP là cơ hội để cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Đã đến lúc cần phải tính toán chắc chắn hơn với tầm nhìn dài về phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh là việc không thể tránh khỏi, nên người chăn nuôi phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác quản lý, đòi hỏi sự quyết liệt trong chỉ đạo và quản lý phát triển chăn nuôi từ cơ sở, dựa trên những định hướng và quy hoạch phát triển ở từng vùng. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn là một trong những giải pháp hiệu quả, mang tính cấp thiết. Để làm được điều này, cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi, từng bước loại bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, phát triển chăn nuôi tập trung.

Năm 2020, Luật Thú y chính thức có hiệu lực, đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho công tác quản lý về chăn nuôi bài bản hơn. Theo đó, những hộ muốn đầu tư chăn nuôi phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh mới được cấp phép đầu tư mở rộng sản xuất.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy