Nhiều doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất

Ngay sau khi nước ta khống chế được dịch Covid - 19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh bắt đầu ổn định, phục hồi lại sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời gian các doanh nghiệp tìm kiếm lại thị trường, tăng cường công tác quản trị, chuyển đổi công nghệ, biến những khó khăn thách thức thành cơ hội, để từng bước vực lại sản xuất, kinh doanh. 

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất
Công nhân Công ty TNHH Hoàng Sơn điều khiển dây chuyền tự động sản xuất vôi công nghiệp.

Dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, Công ty TNHH dệt Hà Nam (KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý), phải dừng sản xuất khoảng gần 2 tháng. Quãng thời gian này công ty gặp rất nhiều khó khăn khi công nhân phải nghỉ việc, công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, thanh toán bị gián đoạn. Khi dịch Covid – 19 được kiểm soát, khoảng giữa tháng 5/2020, hơn 900 công nhân của doanh nghiệp đã trở lại phân xưởng làm việc bình thường, một ngày 3 ca. Các chế độ của người lao động vẫn duy trì như trước, bảo đảm thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Công ty dệt Hà Nam cho biết: Do đặc thù nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài và sản phẩm làm ra, ngoài tiêu thụ thị trường nội địa còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng nhiều đến việc nhập nguyên liệu đầu vào và giá cả hàng hóa xuất khẩu đi các nước. Mặc dù gặp khó khăn, song công ty vẫn phải duy trì sản xuất, sản lượng một tháng đạt khoảng 1.500 tấn, bảo đảm giải quyết việc làm ổn định cho người lao động. Hiện nay, công ty đang phải nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước thay đổi lại hình thức quản trị doanh nghiệp, bảo đảm giá thành sản phẩm sản xuất ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hy vọng trong thời gian tới, dịch bệnh được khống chế, kinh tế thế giới sớm phục hồi chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu không bị gián đoạn, doanh nghiệp sẽ ổn định sản xuất như trước đây. 

Ảnh hưởng của dịch Covid – 19 cũng tác động mạnh mẽ đến sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Sơn ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng). Đây là doanh nghiệp mới đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vôi công nghiệp có công suất 24 nghìn tấn/năm, chuyên xuất khẩu sản phẩm sang một số nước châu Á và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Mặc dù nước ta khống chế được dịch bệnh, song sản phẩm của công ty xuất khẩu sang nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều doanh nghiệp sử dụng vôi làm nguyên liệu đầu vào phải ngừng sản xuất, hoặc giảm công suất hoạt động. Tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã phải giảm công suất hoạt động, có thời điểm chỉ đạt 40 – 50% sản lượng so với kế hoạch. Trong tháng 6 và tháng 7, hoạt động kinh tế, thương mại bắt đầu phục hồi trở lại, công ty từng bước mở rộng sản xuất với hy vọng thị trường xuất khẩu sẽ ấm dần. Đồng thời, công ty cũng không ngừng tìm kiếm bạn hàng trong nước với hy vọng sẽ nhanh chóng mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa. 

Theo các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam đã khống chế dịch Covid - 19 thành công, cuộc sống trở lại bình thường thì chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bắt đầu kết nối trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt đầu ổn định sản xuất trở lại, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn luôn là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong tỉnh. Các doanh nghiệp kiến nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát lại thủ tục hành chính, tham mưu với cấp trên, cắt giảm những thủ tục còn rườm rà, chồng chéo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng là doanh nghiệp. Với doanh nghiệp trong các KCN, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện nghiêm 10 cam kết của UBND tỉnh với nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, hy vọng trong thời gian tới các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.