Nhân rộng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ 'Sông trong ao'

Tháng 7/2019, HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng) thả nuôi lứa cá đầu tiên theo công nghệ mới - “Sông trong ao”. HTX có 3 bể nuôi cá rô đơn tính Thái Lan và cá trắm cỏ. Quá trình nuôi, HTX duy trì thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện theo tiêu chuẩn VietGap: ghi chép sổ nhật ký, không sử dụng hóa chất, thuốc phòng, trị bệnh trong danh mục cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN& PTNT. Bể xây đúng quy cách, cá nuôi đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng cho biết: Các điều kiện bảo đảm chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap được HTX tuân thủ rất nghiêm ngặt nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất vi lượng thiết yếu cho sức khỏe con người. Cá nuôi theo công nghệ mới cho năng suất cao hơn hẳn so với nuôi cá truyền thống. Và đặc biệt cá được sinh trưởng trong môi trường nước sạch, được kiểm soát các yếu tố đầu vào, do đó chất lượng thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống. 

Nhân rộng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ Sông trong ao
Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” ở xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên).

Nhằm phát triển đa dạng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2020 xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) xây dựng 2 mô hình nuôi cá theo công nghệ “Sông trong ao”, với 4 bể nuôi ứng dụng công nghệ mới giúp các hộ nuôi cá đa dạng phương thức sản xuất và mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản cho năng suất cao. 

Ngày 21/6/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 994/QĐ-UBND phê duyệt đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết. Chỉ qua năm đầu sản xuất, cách nuôi trồng thủy sản mới không chỉ cho năng suất rất cao (đạt 15-20 tấn/bể, 25-30 tấn/ha/vụ nuôi), gấp 4-5 lần năng suất nuôi truyền thống, mà còn cho chất lượng sản phẩm cao, an toàn vệ sinh thực phẩm đã thu hút được sự quan tâm của người chăn nuôi. Tính đến hết năm 2020 toàn tỉnh đã xây dựng được 18 mô hình nuôi cá “Sông trong ao” với tổng diện tích 37,54 ha, trong đó có 26,6 ha diện tích mặt nước, xây dựng 49 bể nuôi. Bước đầu hình thành chuỗi liên kết cung ứng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng. 

Để tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc xuất bán theo hình thức truyền thống, Sở NN & PTNT đã kết nối, hướng dẫn các hộ ký hợp đồng với HTX sản xuất và thương mại Thủy sản Xuyên Việt, để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm ổn định sản phẩm đầu ra và nâng cao giá bán. Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, HTX Thủy sản Xuyên Việt cung cấp cá giống, chuyển giao công nghệ và thu mua cá thương phẩm. Hộ nuôi cá cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá và bán sản phẩm cho HTX Thủy sản Xuyên Việt. Thời gian, số lượng, kích cỡ sản phẩm thu hoạch theo từng đơn hàng cụ thể, giá bán theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. 

Riêng ở HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng, ngay từ lứa cá đầu tiên đã được chế biến thành các sản phẩm, như: cá kho, ruốc cá, chả cá... tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Năm 2020, HTX có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: cá kho, chả cá rô phi và ruốc cá trắm cỏ. Từ hiệu quả ban đầu, HTX đã đầu tư xây dựng thêm 2 bể nuôi cá; đồng thời, tiếp tục đầu tư thêm máy móc hiện đại để chế biến sản phẩm.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” được triển khai thực hiện bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật theo yêu cầu đặt ra. Năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/bể, tương đương 30-40 tấn/ha. Tổng sản lượng cá thương phẩm ước đạt 900-1.000 tấn/vụ nuôi, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 32 tỷ đồng/vụ nuôi. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều địa phương như xã Thanh Sơn, Mộc Bắc đã đề nghị được mở rộng mô hình. Với những hiệu quả nổi trội, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tiếp tục xây dựng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất thủy sản  năm 2021 đề ra; đặc biệt là tạo ra khối lượng sản phẩm thủy sản thương phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tiền đề phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững. Thực hiện kế hoạch trên Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương thẩm định và lựa chọn được 8 hộ tham gia xây dựng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”.

Công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” là cách nuôi ứng dụng công nghệ mới cho năng suất, hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Được biết, để việc xây dựng, vận hành bể, ao nuôi đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT kết nối, thuê cán bộ kỹ thuật có kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” hướng dẫn, chuyển giao công nghệ xây dựng, vận hành bể, ao nuôi cá cho các hộ tham gia mô hình. Bên cạnh đó, các hộ nuôi được yêu cầu, mô hình phải được thiết kế xây dựng, thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của công nghệ nuôi cá “Sông trong ao”, bảo đảm hệ thống vận hành tốt, hiệu quả, là mô hình điểm để người dân học tập, nhân rộng các năm sau. 

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy