Thúc đẩy phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn

Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã quan tâm triển khai nhiều nội dung, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề. Qua đó, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 4/11/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 3239/KH-UBND ngày 30/11/2022 về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 2937/KH-UBND ngày 1/11/2022 thực hiện tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện một số nội dung của quy định về công nhận và quản lý nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Hà Nam…

Theo đó, ngoài việc duy trì, giữ vững các làng nghề, làng nghề truyền thống, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn chú trọng phát triển đa dạng các nhóm ngành nghề nông thôn như chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; mộc; mây giang đan; xây dựng; may công nghiệp… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Đơn cử như tại xã Nhân Khang (Lý Nhân), ngoài phát triển mạnh nghề mộc tại hầu khắp các thôn trên địa bàn, thời gian qua, địa phương này còn quan tâm phát triển các ngành nghề: may công nghiệp; xây dựng; cơ khí; kinh doanh dịch vụ, thương mại; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm… Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 600 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó, có trên 300 hộ tham gia làm nghề mộc, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động; 150 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ, thương mại; 4 xưởng may công nghiệp, thu hút hàng trăm lao động làm việc. Ngoài ra, toàn xã còn có trên 20 tổ thợ xây với trên 100 lao động và khoảng 1.000 lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Thúc đẩy phát triển các làng nghề ngành nghề nông thôn
Sản xuất đồ gỗ tại xưởng sản xuất của gia đình ông Đỗ Hữu Thiện, Thôn 3, xã Nhân Khang, Lý Nhân.

Ông Lê Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Nhân Khang khẳng định: Nhờ quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên bình quân mỗi năm, xã Nhân Khang giải quyết việc làm mới cho trên 200 lao động. Đến hết năm 2022, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 89% cơ cấu kinh tế của xã; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 69,5 triệu đồng, mức đạt khá cao so với bình quân toàn huyện là 64,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo sau khi trừ đối tượng bảo trợ xã hội còn trên 1%...

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 13.026 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn (gồm 12.593 hộ gia đình, 180 doanh nghiệp và 253 hợp tác xã). Trong đó, riêng tại 58/65 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có trên 7.700 cơ sở. Tính riêng trong năm 2022, doanh thu từ các cơ sở ngành nghề nông thôn trong toàn tỉnh ước đạt trên 3.478 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 25.400 lao động (trong đó doanh thu tại các cơ sở trong làng nghề ước đạt trên 2.000 tỷ đồng).

Để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, tuyên truyền về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Cụ thể, sở phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, xã tổ chức các hội nghị tập huấn về triển khai chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2022; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP; tiến hành kiểm tra, rà soát kết quả hoạt động gắn với công tác bảo vệ môi trường tại một số làng nghề truyền thống.

Sở cũng phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền về các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vị trí vai trò của lao động nông thôn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị; tổ chức cho các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề tham gia hội chợ nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2022, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của các địa phương trong tỉnh tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với số lượng lao động đăng kí tham gia đào tạo nghề hơn 5.000 lao động với các nghề chủ yếu là trồng cây ăn quả, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y, chẩn đoán bệnh động vật thủy sản, nuôi và phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

Khẳng định, hoạt động ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nam sẽ tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Cùng với đó, rà soát, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm đến hết năm 2024, các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.

Sở cũng sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 và giai đoạn 2023-2025; phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng lồng ghép nội dung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với chuyên mục, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2023, sở sẽ phối hợp tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 5.500 lao động nông thôn với trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng).

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.