Tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất

Theo đánh giá của ngành công thương Hà Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Một số nhóm sản phẩm chủ lực trước đây gặp khó khăn như sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, hàng mỹ ký, thiết bị điện, điện tử, mặt hàng từ nhựa xuất khẩu... đang từng bước phục hồi. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2022. 

9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 128.548 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 73,8% kế hoạch năm 2022. Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp ước tăng 12,9% so với năm 2021. Theo đánh giá của ngành công thương, trong 3 quý đầu năm hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều mặt hàng chủ lực đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Cụ thể, trong 11 mặt hàng công nghiệp chủ lực, có 7 mặt hàng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: đá xây dựng các loại đạt hơn 16 triệu m3, tăng 15,8%; xi măng đạt 18,710 triệu tấn, tăng hơn 25%; thiết bị điện tử tăng hơn 50%; bia các loại đạt 40 triệu lít, tăng 13,3%; dây điện các loại tăng 8,4%; đồ chơi các loại tăng 85,5%; thức ăn chăn nuôi tăng 4,5%; còn lại 4 mặt hàng xe máy các loại đạt 677 nghìn chiếc, đạt 89,4%; sữa các loại đạt hơn 93 triệu lít; hàng may mặc vải các loại đạt gần 100% so với năm 2021.

Tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất
Sản xuất tại Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng Văn I, Duy Tiên. Ảnh: Nguyễn Oanh

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nam cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trong tỉnh có dấu hiệu phục  hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đi vào sản xuất trong năm 2022 theo đúng kế hoạch. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành công thương tập trung thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm nắm bắt thông tin từ phía các doanh nghiệp, kịp thời phối hợp với các ngành chức năng và tham mưu với UBND tỉnh giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất.  

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid - 19, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của tỉnh không còn phù hợp hoặc đang làm hạn chế doanh nghiệp để giảm thiểu thời gian và chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN thu hút doanh nghiệp vào hoạt động; ngành hải quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thiết bị máy móc vào sản xuất; các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý. Ngành công thương thực hiện chức năng cơ quan đầu mối đôn đốc, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3163/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 176.078 tỷ đồng, tăng 15,24% so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước cả năm phấn đấu tăng 13,2% so với năm 2021. Để hoàn thành được kế hoạch trên, trong 3 tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung phối hợp với các nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký đi vào sản xuất trong năm 2022; các huyện, thị xã, thành phố tạo mặt bằng sạch để thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động. Trong thu hút đầu tư, cần có sự chọn lọc rõ ràng, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính, công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế việc ảnh hưởng đến môi trường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư theo hướng bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, thông suốt giữa các thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường với thủ tục về đầu tư. Các cấp, các ngành  phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.