Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng diễn ra sôi động, nhất là trên không gian mạng. Đồng thời với đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng diễn ra tinh vi, phổ biến hơn. Trước thực tế này, các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang triển khai những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Trong đó, quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm, nhận biết đầy đủ về quyền lợi của mình được pháp luật bảo vệ khi đi mua sắm. Phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trước khi nhận hàng. Và thậm chí khi nhận thấy bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng chỉ im lặng chấp nhận mà không khiếu nại lên cơ quan chức năng.

Trước thực tế này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền của người tiêu dùng, trọng tâm là phổ biến các văn bản quy phạm của Nhà nước liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhãn mác hàng hóa, việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh hướng dẫn người tiêu dùng dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng nhái.
Ảnh: Hân Hân

Đặc biệt, hằng năm, nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3), các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng. Riêng năm 2023, với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2022 (tháng 11), tập trung trong tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 5/2023 như: Treo hàng trăm băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên những tuyến đường trung tâm của các huyện, thành phố, thị xã, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu vực đông dân; tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng phương pháp để bảo vệ quyền lợi của mình sau khi bị xâm hại; phối hợp với một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá, tư vấn sử dụng sản phẩm an toàn, tiết kiệm nhằm tri ân người tiêu dùng; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Trao đổi làm rõ hơn về kết quả đạt được trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường được tăng cường. Công tác tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của người tiêu dùng bảo đảm tính kịp thời… Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã xử lý 2 vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức khoảng 20 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; phối hợp tổ chức hàng chục hội chợ thương mại tổng hợp với hàng hóa là các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm, các lực lượng chức năng tiến hành xử lý trên 2.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng… Các hoạt động này đã góp phần thiết lập trật tự, ổn định thị trường, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Có thể khẳng định, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua việc các doanh nghiệp trong tỉnh đã dần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định; niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh; tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm chất lượng; nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng đa dạng các hình thức bán hàng nhằm tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thành lập phòng, ban giải quyết khiếu nại của khách hàng, chủ động xây dựng các kênh thông tin để tiếp nhận những phản ánh, ý kiến của khách hàng.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng vẫn đang diễn biến phức tạp và gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với các lực lượng chức năng trong thời gian tới là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.