Phân cấp xét công nhận sản phẩm OCOP 3 sao về cấp huyện, góp phần thúc đẩy sản xuất

Theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, cấp huyện trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao (từ 50 – 70 điểm). Đây là nội dung mới, tạo thuận lợi trong quá trình xét, công nhận sản phẩm OCOP của các địa phương.

Tìm hiểu tại huyện Thanh Liêm, năm 2022 có 13 ý tưởng đăng ký tham gia OCOP, 12 ý tưởng được lựa chọn xét công nhận. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện khá đa dạng: Sản phẩm chế biến từ cây dược liệu, mật ong rừng, sản phẩm làng nghề… Trong quá trình triển khai, Phòng NN & PTNT Thanh Liêm đã tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn chủ thể những bước tiến hành xây dựng sản phẩm. Thực hiện việc phân cấp cho huyện đánh giá và cấp Giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP 3 sao, Thanh Liêm đang tiếp tục triển khai các bước, tạo thuận lợi cho đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện nội dung, tiêu chí, hồ sơ xét công nhận… Đồng thời, phối hợp cùng các ngành chức năng hướng tới thành lập Hội đồng đánh giá trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm cho biết: Huyện Thanh Liêm xác định chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, sản phẩm được công nhận OCOP giúp nâng cao giá trị, tạo thương hiệu, thuận lợi tiếp cận thị trường. Việc được phân cấp công nhận sản phẩm OCOP 3 sao giúp địa phương có sự chủ động, trách nhiệm hơn từ việc xây dựng ý tưởng đến quá trình triển khai, xét duyệt, đánh giá…

Với thị xã Duy Tiên có 13 sản phẩm đã được phê duyệt ý tưởng tham gia chương trình OCOP năm 2022. Theo đánh giá, các sản phẩm này khả năng đều đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Do năm 2022 tỉnh chưa thực hiện, khi được phân cấp thị xã đang đẩy mạnh việc triển khai để hướng tới xét và công nhận các sản phẩm đạt OCOP. Thực tế cho thấy, được công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội giúp các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, thủ công mỹ nghệ, chế biến trên địa bàn tiếp cận và hội nhập nhanh với thị trường.

Phân cấp xét công nhận sản phẩm OCOP 3 sao về cấp huyện góp phần thúc đẩy sản xuất
Sản phẩm rượu Vọc của cơ sở Đức Toàn, xã Vũ Bản (Bình Lục) được công nhận OCop 3 sao.

Được biết, các năm từ 2019 đến 2021 thị xã Duy Tiên có tổng số 26 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, 11 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Theo đánh giá, các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều phát huy tốt hiệu quả. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP chế biến từ sữa bò tươi của các đơn vị, cơ sở sản xuất tại thị xã đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, như: BigC, Lan Chi, Coopmart, Sevenfood… Điển hình, các sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi của Trang trại Mục Đồng (xã Trác Văn) đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai…), doanh thu đạt 8 – 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động.

Theo ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, việc phân cấp về huyện, thành phố, thị xã xét công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là bước thay đổi theo hướng tích cực hơn. Ngay các chủ thể tại địa phương cũng tự tin, nhiệt tình tham gia đăng ký xây dựng ý tưởng sản phẩm. Với thị xã Duy Tiên, tiềm năng sản phẩm có thể tham gia chương trình OCOP còn rất lớn. Khi được phân cấp, phòng tham mưu với UBND thị xã thúc đẩy hơn nữa, phấn đấu công nhận thêm nhiều sản phẩm OCOP trong thời gian tới…

Việc phân cấp xét công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp huyện, thành phố, thị xã theo nhận định sẽ tạo sự thuận lợi, chủ động đối với các địa phương. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm trong việc đánh giá, thẩm định và xét công nhận các sản phẩm đạt OCOP. Các ngành chức năng của tỉnh sẽ tham gia Hội đồng đánh giá, trong đó có 3 ngành bắt buộc gồm: NN&PTNT, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường. Những ngành khác sẽ tham gia khi có sản phẩm trong lĩnh vực quản lý.

Theo ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT), việc phân cấp giúp giảm tải việc triển khai đánh giá, thẩm định và xét công nhận sản phẩm OCOP cho cấp tỉnh. Theo Quyết định 148/QĐ-TTg, trong quá trình các huyện, thành phố, thị xã đánh giá có sản phẩm đạt trên 70 điểm sẽ chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh xét công nhận 4 sao. Hiện nay, bộ tiêu chí xét công nhận sản phẩm OCOP rõ ràng, thuận tiện cho các địa phương, ngành chức năng trong quá trình thẩm định, đánh giá và xét công nhận.

Tuy nhiên, việc phân cấp xét công nhận sản phẩm OCOP về cấp huyện đang gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, nổi lên phòng kinh tế, nông nghiệp tại các địa phương đang thiếu cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực xét công nhận OCOP, chủ yếu là kiêm nhiệm. Nguồn kinh phí còn hạn chế, nhất là kinh phí thuê tư vấn hướng dẫn các chủ thể có ý tưởng tham gia chương trình OCOP.

Hiện nay, cả tỉnh đã có 65 sản phẩm được công nhận OCOP 3 và 4 sao được xét trong các năm từ 2019 đến 2021. Thời gian tới, từ việc phân cấp và giải quyết những khó khăn chắc chắn sẽ có thêm nhiều sản phẩm được công nhận OCOP. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.