Nghề mây tre đan ở Hòa Trung

Nghề mây tre đan ở thôn Hòa Trung, xã Tiên Nội (Duy Tiên) đã có từ nhiều năm nay. Trải qua thời gian, đã có thời điểm nghề bị mai một và hiện đang được khôi phục lại, trở thành nghề phụ giúp người dân Hòa Trung nâng cao thu nhập.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Nội, được biết, nghề mây tre đan đã có ở thôn Hòa Trung mấy chục năm nay và phát triển rộ vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Nhiều gia đình có tới 2-3 thế hệ cùng làm, mang lại nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình.

Từ năm 2007, khi thị trường đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn, nghề mây tre đan cũng dần mai một và chỉ mới được khôi phục lại từ năm 2014 và hiện đang phát triển tập trung ở thôn Hòa Trung với gần 70 hộ dân tham gia.

Nghề mây tre đan trở thành nghề phụ giúp người dân thôn Hòa Trung (tiên Nội, Duy tiên) nâng cao thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Thúy, xóm Hòa Trung A, người đã gắn bó với nghề mây tre đan hơn chục năm nay cho biết: Gia đình tôi cấy hơn một mẫu ruộng và chăn nuôi lợn nên công việc thường ngày khá bận rộn. Sau các vụ cấy, gặt và tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào mỗi buổi tối, tôi đều làm thêm nghề mây tre đan để có đồng ra, đồng vào tiêu pha mỗi ngày. Tháng nhiều thì tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng, tháng ít thì khoảng 600-700.000 đồng từ làm nghề. Tuy thu nhập từ đan mây không cao nhưng nghề này có ưu điểm là có thể linh động về thời gian, không gian làm và không ảnh hưởng tới các công việc khác.  

Vừa thoăn thoắt đôi tay đan mây, bà Lã Thị Nhòng, 72 tuổi, xóm Hòa Trung B vừa kể: Khoảng gần hai chục năm về trước, nghề mây tre đan ở đây phát triển lắm. Nhà nhà đan mây, người người đan mây, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề. Ở nhiều gia đình, những đứa con lớn trưởng thành chưa có việc làm đều ở nhà làm nghề kiếm tiền nuôi em ăn học. Nhờ vậy mà nhiều người con của thôn Hòa Trung mới có điều kiện ăn học, thành đạt.

Giờ chúng tôi già rồi, xương khớp hay đau nhức nên không ra đồng như xưa được nữa, mà ngồi chơi không cũng buồn. May mà có nghề mây tre đan nên người già như tôi cũng vui tay, vui chân. Mỗi ngày tôi và ông nhà đan được gần chục sản phẩm, kiếm được vài chục nghìn đồng, cơ bản cũng đủ để chi tiêu, ăn uống. Làm nghề khiến tuổi già khuây khỏa hơn, lại đỡ vất vả cho con cháu...

Hiện nay, tại xóm Hòa Trung B có khoảng gần 40 hộ làm nghề mây tre đan. Đối tượng tham gia đan mây chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên. Vào các ngày nghỉ hay dịp hè, học sinh trong xóm từ 7-8 tuổi trở lên cũng đều biết đan mây phụ giúp gia đình. Các sản phẩm chính được làm ra là khay đựng đồ, khung gương, mẹt… Nếu cần mẫn, một lao động có thể làm ra gần chục sản phẩm, cho thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày. Sản phẩm làm ra đến đâu được cơ sở tại xã bao tiêu đến đó. Nhờ làm nghề, đời sống và thu nhập của nhân dân ngày càng nâng cao, bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc.

Cũng như những nghề truyền thống khác, nghề mây tre đan tuy không cho thu nhập cao nhưng lại tương đối ổn định, phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình nông thôn hiện nay. Bởi, ngoài thời gian đi làm ở công ty hay bận việc đồng áng, các thành viên trong gia đình có thể quây quần bên nhau làm nghề, vừa tạo sự gần gũi, lại có thêm thu nhập.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.