Mở rộng liên kết sản xuất giữa các làng nghề chế biến gỗ

Tỉnh Hà Nam có 58 làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong số đó, nhóm nghề chế biến gỗ chiếm tỷ lệ trên 15%. So với các nhóm nghề khác, trong những năm qua, nhóm nghề chế biến gỗ có sự phát triển ổn định hơn. Tại nhiều làng nghề, số lượng lao động tham gia làm nghề cũng như chất lượng sản phẩm gỗ ngày càng được nâng cao, khẳng định được uy tín ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đối với nhóm nghề chế biến gỗ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 9 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả. Các làng nghề đang thu hút gần 1.000 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Đây là nhóm nghề được duy trì, phát triển ổn định trong nhiều năm qua và có sự phát triển rõ rệt cả về quy mô cũng như chất lượng sản phẩm.

Tại các làng nghề, nhiều cơ sở chế biến gỗ đã áp dụng công nghệ số vào công đoạn đục, chạm, tiện gỗ (tạo hình theo khuôn mẫu được lập trình bằng máy tính) giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công lao động, bảo đảm độ chính xác cao cho sản phẩm với đa dạng các loại họa tiết, hình dáng độc đáo, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người sử dụng. Các sản phẩm gỗ của làng nghề truyền thống Nhật Tân, xã Nhật Tân (Kim Bảng); làng nghề truyền thống đồ mộc xóm 6 Mai Xá, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân); làng nghề xóm 6, xã Xuân Khê (Lý Nhân); làng nghề mộc thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên); làng nghề mộc thôn Bói Kênh, xã An Lão (Bình Lục); làng nghề xóm Cầu Gỗ, xã Đồng Du (Bình Lục)… đã có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhiều cơ sở còn đẩy mạnh tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Điều đặc biệt là, so với các nhóm nghề khác, nghề chế biến gỗ hiện đang thu hút được một lượng lớn lao động trẻ tham gia làm nghề, phát triển nghề truyền thống của gia đình, quê hương.

Tại làng nghề mộc thôn Yên Mỹ (xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên), xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Tiến Hữu đang tạo việc làm cho khoảng chục lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, sản phẩm mộc của gia đình anh ngày càng được thị trường ưa chuộng với đa dạng mẫu mã, chủng loại, như: án thờ, sập gụ, tủ chè, cửa, trong đó sản phẩm thế mạnh là cửa nhà. Nhờ đầu tư hệ thống máy đục, chạm vi tính, những năm gần đây, năng suất và chất lượng sản phẩm mộc của gia đình anh được nâng lên đáng kể. Ngoài thực hiện đơn hàng trực tiếp, anh Hữu còn nhận làm công đoạn đục, chạm gỗ cho các cơ sở sản xuất khác trong thôn khi có nhu cầu.

Mở rộng liên kết sản xuất giữa các làng nghề chế biến gỗ
Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Tiến Hữu, thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) ứng dụng công nghệ điều khiển số vào công đoạn đục, chạm, tiện gỗ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Anh Hữu cho biết: Ở thôn Yên Mỹ, các hộ đều phát triển nghề mộc rất tốt, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, các hộ làm nghề trong thôn còn liên kết chặt chẽ với nhau trong các khâu từ nhập nguyên liệu cho đến sản xuất (đục, chạm, lắp ráp, hoàn thiện) và tiêu thụ sản phẩm.

Thôn Yên Mỹ cũng là một trong những làng nghề có sự chuyên môn hóa, liên kết trong sản xuất được thể hiện một cách rõ nét. Theo những người làm nghề mộc ở nơi đây, sự chuyên môn hóa trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã tạo điều kiện cho các xưởng có thể tập trung đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ một khâu, hoặc một vài sản phẩm nhất định thay vì phải đầu tư dàn trải. Nhờ đó, các hộ vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa tạo sự chuyên nghiệp trong sản xuất, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại cho biết: Làng nghề mộc thôn Yên Mỹ được công nhận năm 2014 và ngày càng phát triển. Hiện, làng nghề đang có khoảng 60 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm mộc, tạo việc làm cho gần 400 lao động. Mỗi năm, doanh thu của làng nghề đạt 400-500 tỷ đồng. Nhiều năm qua, làng nghề Yên Mỹ đều đạt các tiêu chí về số hộ sản xuất và hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong 2 năm liên tiếp gần nhất. Ngoài thôn Yên Mỹ, các thôn khác trên địa bàn xã cũng đang phát triển khá mạnh nghề mộc. Mỗi thôn có trên dưới 10 xưởng mộc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập đạt khá so với các nhóm nghề khác.

Qua tìm hiểu cho thấy, tương tự như xã Chuyên Ngoại, các làng nghề mộc tại các xã, phường, thị trấn khác trên địa bàn tỉnh cũng đều duy trì, phát triển ổn định trong nhiều năm qua do nhu cầu cao của thị trường đối với sản phẩm làm từ gỗ. Chẳng hạn như ở huyện Lý Nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề mộc ngoài việc tập trung phát triển các dòng sản phẩm truyền thống là bàn, ghế, giường, tủ, cửa nhà, còn phát triển mạnh các dòng sản phẩm gỗ nội thất theo phong cách hiện đại, như cầu thang, ốp trần, ốp tường, sàn nhà, nhà gỗ, phản… Những sản phẩm này có tính đơn giản, sử dụng khối lượng lớn gỗ nguyên khối để tạo sự đa dạng cho khách hàng lựa chọn, phù hợp để sử dụng trong các khu biệt thự, nhà cao tầng.

Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 làng nghề, làng nghề truyền thống trong nhóm nghề chế biến gỗ đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Để thúc đẩy phát triển các làng nghề mộc, thời gian qua, huyện Lý Nhân đặc biệt quan tâm triển khai công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thông qua hình thức tham gia các hội chợ làng nghề. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cấp, các ngành liên quan rà soát, kiểm tra thực trạng các làng nghề để đánh giá, hướng dẫn các xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời gian tới. Cùng với đó, tiến hành khảo sát, định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển, công nhận làng nghề cho một số làng có nghề có tiềm năng.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động của các làng nghề chế biến gỗ hiện nay có thể thấy, số làng nghề có khả năng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng chưa nhiều. Số cơ sở, hộ sản xuất có ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại trong các khâu sản xuất còn hạn chế, trong khi số lượng xưởng sản xuất cũng như yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Khi sức cạnh tranh ngày một lớn, yêu cầu đặt ra là cần có sự liên kết giữa các làng nghề để chuyên môn hóa các công đoạn sản xuất. Việc hình thành liên kết giữa các làng nghề gỗ thủ công mỹ nghệ không những giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, mà còn giải quyết khó khăn về vốn cũng như mặt bằng sản xuất, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới tại các làng nghề. Mặt khác, các làng nghề cũng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường cũng như đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy