Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành: "Bí" nguồn nguyên liệu

Lò gốm Liên Kiểm của anh Lại Văn Kiểm có thể tích lò nung 100 m3, chủ yếu sản xuất các sản phẩm truyền thống, như: chum, vò, vại, tiểu sành…Bình quân 1 năm anh cho ra lò khoảng hơn 15 nghìn sản phẩm các loại. Với quy mô này, mỗi năm lò gốm Liên Kiểm sử dụng khoảng 100 m3 đất nguyên liệu. Được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, anh Kiểm sử dụng nguồn đất dự trữ lấy từ dịp cuối năm 2015.

Hiện lượng đất dự trữ đang cạn dần chỉ còn khoảng 70m3, chỉ đủ dùng đến cuối năm. Do nhu cầu của thị trường, hiện nay, lò gốm đang quay trở lại làm loại chum to có thể tích đựng 100 lít (sau 18 năm dừng làm). Vì thế, lượng đất nguyên liệu chắc chắn cần nhiều hơn. Anh Lại Văn Kiểm cho biết: Nguyên liệu đất là quan trọng số 1 để duy trì và phát triển sản xuất. Mặc dù vẫn sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống, nhưng lò đã áp dụng kỹ thuật giúp giảm được đến 50% lượng nguyên liệu so với trước đây. Tuy nhiên, nguồn đất nguyên liệu đang cạn dần, chưa biết sản xuất trong thời gian tới sẽ như thế nào…

Sản phẩm thô chuẩn bị vào lò tại lò gốm Liên Kiểm (làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành).

Cũng như lò gốm Liên Kiểm, các lò gốm khác của làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành (thị trấn Quế, Kim Bảng) cũng đang trong tình trạng khó khăn về nguyên liệu. Có lò do không có diện tích tập kết dự trự đất nguyên liệu nên lượng đất còn khá ít, chỉ đủ để sản xuất đến khoảng tháng 10, tháng 11 tới. Chẳng hạn như lò gốm của ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc HTX gốm Quyết Thành sử dụng công nghệ lò ga, sản phẩm chủ yếu là các loại ấm, chén, lọ hoa, lọ đựng rượu nhỏ… lượng đất cần không nhiều như làm các sản phẩm nung lò thủ công, nhưng lượng đất nguyên liệu của lò còn chưa đến 10 m3, chỉ đủ làm trong khoảng 4 - 5 tháng. Tính chung cả làng gốm Quyết Thành hiện nay, nguồn nguyên liệu đất dự trữ tại chỗ chỉ đủ cho sản xuất trong khoảng 6 tháng nữa.

Làng nghề gốm Quyết Thành hiện đang có 4 lò  hoạt động. Sản xuất tại làng nghề đã có sự thay đổi đáng kể, bằng việc các lò áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu. Đồng thời, từng bước đa dạng các loại sản phẩm nâng cao giá trị (chuyên, chén, lọ hoa, chậu hoa, lọ đựng rượu…). Một năm, làng nghề cho ra lò trên 60 nghìn sản phẩm và bộ sản phẩm các loại. Lượng đất nguyên liệu làng nghề sử dụng khoảng hơn 400 m3. Nguồn đất ngay tại làng nghề từ lâu đã không còn do thời gian dài khai thác và phát triển đô thị tại thị trấn nên phải đi lấy tại các xã trong huyện. Để tạo điều kiện cho làng nghề gốm Quyết Thành phát triển, UBND huyện Kim Bảng quy hoạch vùng nguyên liệu tại các xã, gồm: Thụy Lôi, Ngọc Sơn và Đồng Hóa theo hình thức hạ cốt đất ruộng. Trong đó, đất sét tại xã Đồng Hóa được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Mặc dù vậy, việc khai thác nguồn nguyên liệu đất của làng nghề vẫn đang gặp khó khăn.

Sản phẩm gốm ra lò của ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc HTX gốm Quyết Thành.

Hằng năm, việc lấy đất nguyên liệu cho các lò sản xuất đều do HTX gốm Quyết Thành đảm nhiệm, liên hệ với các địa phương. Mỗi năm, việc lấy đất được thực hiện 1 lần vào khoảng tháng 10, sau thời điểm  thu hoạch lúa mùa. Về phía các xã nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu không thu bất kỳ loại phí nào, làng nghề chỉ phải trả chi phí cho các hộ có ruộng lấy đất và công đào, vận chuyển, khoảng 270 - 300 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, năm 2016 vừa qua, làng nghề gốm Quyết Thành đã không lấy được đất, nguyên liệu sản xuất đều là nguồn đất dự trữ lấy được từ năm trước.
Qua tìm hiểu được biết, hình thức lấy đất bằng hạ cốt ruộng không hoàn toàn thuận lợi. Thường, cánh ruộng cao, gần đường giao thông được lựa chọn để hạ cốt lấy xuống 1 thép mai (hơn 20 cm). Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng có mức độ theo từng năm nên không thể cùng lúc lấy đều được trên cả cánh đồng rộng. Vì vậy, những hộ bên cạnh không đồng tình và cho rằng làm như thế trong quá trình sản xuất lượng phân bón trôi xuống những ruộng mới hạ cốt. Còn việc hạ cốt ở những ruộng sâu trong đồng, đường đi lại, vận chuyển khó khăn làm đội giá thành. Năm 2016, giá đất nguyên liệu khai thác tăng gần gấp 2 lần, trong khi đó, lợi nhuận của sản phẩm gốm không cao dẫn đến các lò không lấy được đất. Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc HTX gốm Quyết Thành cho biết: Nguyên liệu đất sản xuất sắp cạn nên năm 2017 này chắc chắn phải lấy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa biết khả năng lấy và giá cả năm nay như thế nào…

Đối với làng nghề gốm Quyết Thành, việc chủ động nguồn nguyên liệu sẽ có tác động lớn, giúp duy trì sản xuất ổn định và phát triển. Theo đồng chí Lại Văn Liên, Bí thư Chi bộ HTX gốm Quyết Thành: Nên chăng huyện có quy hoạch hẳn một khu đất riêng cung cấp nguyên liệu cho làng nghề. Như vậy, dưới sự điều hành của chi bộ, HTX, các lò gốm trong làng nghề không lo thiếu nguyên liệu sản xuất như hiện nay…

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.