Khắc phục tình trạng thiếu lao động trong các khu công nghiệp

Theo ước tính, năm 2022 nhu cầu của các doanh nghiệp trong KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển khoảng 20 nghìn lao động vào làm việc. Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. 

Cung cấp đủ nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp trong KCN là 1 trong 10 cam kết của UBND tỉnh với nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid - 19 kinh tế bắt đầu phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất lớn. Tại các KCN trên địa bàn đã thu hút được hơn 500 dự án còn hiệu lực, trong đó có hơn 400 dự án đã đi vào hoạt động, đang giải quyết việc làm cho hơn 80 nghìn người, trong đó hơn 70% số lao động trong tỉnh, còn lại lao động ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp trong KCN tỉnh hiện đang thiếu khoảng gần 20 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động kỹ thuật cao. Để đáp ứng nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp, nhiều công ty đang phối hợp với ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thông báo tuyển dụng lao động, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể. 

Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên cho biết: Năm nào đơn vị cũng nhận được hàng chục công văn của các doanh nghiệp gửi đến nhờ hỗ trợ tuyển dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn lên đến hàng trăm người. Trước nhu cầu của các doanh nghiệp, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Duy Tiên đã phối hợp với các xã, phường, thông báo trên hệ thống đài truyền thanh để người lao động liên hệ xin việc, hoặc nộp hồ sơ qua xã. Ước tính có những năm thị xã Duy Tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng được 500 - 1.000 lao động.

Khắc phục tình trạng thiếu lao động trong các khu công nghiệp
Các doanh nghiệp tại KCN Châu Sơn thường xuyên treo biển thông báo tuyển lao động.

Ngoài phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, thời gian qua UBND tỉnh chỉ đạo các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trong các KCN, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động và tổ chức đào tạo theo đơn “đặt hàng” cho các doanh nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo không khuyến khích thu hút doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp đầu tư vào KCN. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng lao động có tay nghề để giảm sức ép về nhu cầu cần tuyển lao động.

Đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải thuộc nhóm ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, đóng góp ngân sách lớn và thực hiện tốt chế độ an sinh xã hội cho người lao động. UBND tỉnh cũng hướng cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên và TP Hà Nội cách KCN khoảng 15 - 20 km, theo hình thức bố trí xe đưa đón công nhân đi làm. Cách làm này đã giảm sức ép về thiếu lao động cho các doanh nghiệp và nâng cao được hiệu quả thu hút đầu tư. 

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất công nghiệp trong các KCN nhanh chóng được phục hồi. Ước tính năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN đạt 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN thời gian tới là rất lớn, trong đó có những doanh nghiệp tuyển dụng cả nghìn lao động. Nguồn lao động mà các doanh nghiệp cần tuyển đó là lao động phổ thông, lao động kỹ thuật đã qua đào tạo và lao động thuộc nhóm có trình độ cao biết tiếng Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên khảo sát nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp và báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo các ngành phối hợp thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thực tế nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhiều song một nghịch lý đang diễn ra tại các KCN là nhiều doanh nghiệp lại kén chọn lao động, đưa ra tiêu chuẩn phải là lao động nữ, tuổi đời từ 18 - 35 thì mới tuyển dụng. Bởi theo một số doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ ký, điện tử, may mặc… thì lao động nữ có ưu điểm khéo tay, chịu khó, có tính kiên trì và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn lao động nam. Nếu như các doanh nghiệp không mở rộng lứa tuổi tuyển dụng cả nam lẫn nữ thì khó có thể tuyển đủ lao động. Hay một số doanh nghiệp nước ngoài lại có nhu cầu tuyển dụng lao động phải có trình độ chuyên môn, công nhân lành nghề và biết tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Có những doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đến 50 tuổi sau đó bằng nhiều hình thức sa thải do không đáp ứng yêu cầu công việc và cần tuyển lao động mới nên dẫn tới tình trạng thừa thiếu lao động. 

Trong giai đoạn 2020 - 2025, UBND tỉnh tiếp tục mở rộng xây dựng các KCN Thái Hà, Thanh Liêm và tiến tới xây dựng KCN công nghệ cao. Sau khi các KCN trên được xây dựng, thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động, ước tính mỗi năm các doanh nghiệp trong KCN cần khoảng 10.000 lao động. Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong các KCN thì quá trình thu hút đầu tư tỉnh cũng cần tính đến tiềm năng về lao động gắn với chính sách thu hút đầu tư theo từng giai đoạn. Có như vậy mới giảm sức ép về nguồn lao động cung cấp cho các doanh nghiệp.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.