Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid - 19, song trong 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui để tỉnh Hà Nam phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021.  

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất bao bì túi siêu thị xuất khẩu Quang Trung, Cụm Công nghiệp Cầu Giát, thị xã Duy Tiên. Ảnh: Trương Dũng

Giữ vững sản phẩm công nghiệp chủ lực

Theo tổng hợp của Sở Công thương, trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 28.872 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và đạt 19,2% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong quý I, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực (CNCL) trong tỉnh đều tăng, như: sữa tăng 23,1%; bộ dây điện ô tô tăng 14,8%; thiết bị điện, điện tử tăng 15,9%, xe máy tăng 30%. Các sản phẩm CNCL trên đều do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) sản xuất. Cũng theo các ngành chức năng, trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm giá trị sản xuất xe máy chiếm khoảng 20-25%, giá trị sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 10%, giá trị sản xuất linh kiện điện tử chiếm hơn 16% tổng giá trị sản xuất trong các KCN, còn lại là các sản phẩm hàng dệt may, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ nhựa... Đây là tín hiệu vui, tạo nền tảng để nâng cao giá trị sản xuất các mặt hàng CNCL. 

Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến thời điểm này, tỷ lệ lấp đầy các KCN: Đồng Văn I đạt 100%, Đồng Văn II đạt 97,3%, Đồng Văn III (giai đoạn I) đạt 74,4%, Đồng Văn IV đạt 85,45%, Châu Sơn đạt 91,83%, Hòa Mạc đạt 74,34%. Tại các KCN trên đã có hàng trăm doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, trong đó có nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm CNCL phát triển nhanh chóng. 

Cũng theo ông Trần Văn Kiên, trong năm 2021, các doanh nghiệp trong KCN vẫn bị tác động mạnh mẽ đến sản xuất, kinh doanh do dịch Covid – 19, song các sản phẩm CNCL có khả năng tăng trưởng khá và vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng như những năm trước. Trong những tháng tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ phối hợp với các ngành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký đi vào sản xuất trong năm 2021 theo đúng kế hoạch, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. 

Cùng với doanh nghiệp trong các KCN, các doanh nghiệp ở ngoài KCN cũng có nhiều sản phẩm như xi măng, gạch nung, đá xây dựng các loại duy trì được tốc độ sản xuất. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 6 nhà máy sản xuất xi măng, bao gồm: Nhà máy xi măng Bút Sơn, Nhà máy xi măng Vissai Hà Nam, Nhà máy xi măng Hoàng Long,  Nhà máy xi măng Thành Thắng, Nhà máy xi măng Xuân Thành và Nhà máy xi măng Long Thành với tổng công suất hơn 15 triệu tấn/năm. Trong 3 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, các nhà máy sản xuất xi măng vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định và giá một số loại xi măng tăng hơn so với cuối năm 2020. 

Đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, theo đánh giá của các ngành chức năng, sau khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản với thời gian dài, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, sản xuất với công suất lớn, một năm cung cấp cho thị trường hàng chục triệu m3 đá xây dựng các loại. Các sản phẩm từ đá sau khi chế biến thành: bột đá, đá xây dựng các loại, đá hộc xuất khẩu đã được nhiều bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, kinh tế gặp nhiều khó khăn, các công trình xây dựng cũng giảm đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Trong 3 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đá xây dựng ra thị trường với sản lượng ở mức cầm chừng do giá chi phí đầu vào khai thác vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi giá đá các loại nhiều năm không tăng.  

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp
Dây chuyền kéo sợi của Công ty Dệt Hà Nam.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Theo nhận định của ngành công thương, năm nay lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục bị tác động mạnh bởi dịch Covid – 19. Trong đó, các doanh nghiệp bị tác động nhiều nhất vẫn là những nhóm, ngành kinh doanh du lịch, lữ hành; xuất nhập khẩu hàng hóa, dệt may, hàng mỹ ký, các mặt hàng điện, điện tử, mặt hàng từ nhựa xuất khẩu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu xuất, nhập khẩu hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát, một số nước hạn chế thông quan hàng hóa, sức mua giảm, lao động, chuyên gia ở nước ngoài vào Việt Nam hạn chế đã ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Huy Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thành Đạt (TP Phủ Lý) cho hay: Nếu như trước đây dịch vụ khách sạn của doanh nghiệp kinh doanh lúc nào cũng đông khách, trong đó có nhiều doanh nghiệp đăng ký thuê phòng với thời gian dài để cho chuyên gia, lao động làm việc tại KCN Đồng Văn ở thì khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát nhiều chuyên gia, lao động của nước ngoài chưa sang được đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của khách sạn. Không chỉ vậy, thu hút đầu tư vào KCN Đồng Văn III cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh bùng phát. Nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế khi có dịch bệnh đã hạn chế dịch chuyển, mở rộng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Trong thời gian này, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục tăng cường các giải pháp kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc đưa lao động, chuyên gia sang làm việc. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cần tập trung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại đầu tư vào các KCN.  
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của tỉnh không còn phù hợp, hoặc đang làm hạn chế doanh nghiệp để giảm thiểu thời gian và chi phí ra nhập thị trường cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải phóng mặt bằng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN thu hút doanh nghiệp vào hoạt động. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất hợp lý; ưu tiên giải ngân vốn cho vay sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và các cơ quan quản lý các cửa khẩu nắm bắt thông tin, thông báo kịp thời tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu qua biên giới để doanh nghiệp chủ động trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa. Chi cục Hải quan Hà Nam phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Các ngành chức năng triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: mở rộng thị trường, khôi phục, mở rộng sản xuất kinh doanh; tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ công (điện, nước, xử lý nước thải, tiêu thoát nước...) bảo đảm phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.