Cẩn trọng với giá ảo trên thị trường bất động sản

Trong khoảng thời gian hơn một năm trở lại đây, giá bất động sản (BĐS) tăng khá cao, có nơi tăng bình quân từ 60-70%, thậm chí tăng tới hơn 100%. So với các tỉnh trong khu vực, đất nền ở TP Phủ Lý và một số vị trí trung tâm các huyện, thị xã ở Hà Nam có mức tăng cao. Thời gian này, các chuyên gia về lĩnh vực BĐS khuyến cáo người dân mua đất để làm nhà ở, hoặc đầu tư BĐS cần cân nhắc kỹ để tránh tình trạng bị một số “cò đất’’ thổi giá ảo kiếm lời.

Giá BĐS tăng cao

Gần 2 năm trở lại đây tại TP Phủ Lý, giá BĐS ở khu vực nội thành tăng cao, trong đó những trục đường trung tâm giá tăng gấp 2- 3 lần so với thời điểm đầu năm 2019. Vào thời điểm đó, người mua BĐS ở mặt đường Biên Hòa (vị trí đối diện Trung tâm thương mại Vincom Phủ Lý) chấp nhận với giá 150 – 160 triệu đồng/m2, còn ở mặt các tuyến đường: Lê Công Thanh, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân có những lô đất giao dịch với giá từ 80 – 100 triệu đồng/m2, thì hiện nay mặt đường Biên Hòa có những vị trí được rao bán với giá 250 – 300 triệu đồng/m2, vị trí mặt các tuyến đường: Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh, Nguyễn Viết Xuân có giá rao bán từ 100 – 150 triệu đồng/m2. Theo giới kinh doanh BĐS, từ khi Trung tâm thương mại Vincom ở đường Biên Hòa đi vào hoạt động đã đẩy giá đất ở trung tâm TP Phủ Lý tăng nhanh. Hơn nữa, giá đất nội thành tăng cao do quỹ đất trống hiện nay không còn nhiều. 

Giá BĐS ở khu vực nội thành tăng cao cũng kéo theo giá BĐS ở khu vực ngoại thành tăng theo. Tại Hà Nam, đất ở khu vực các xã ngoại thành TP Phủ Lý, khu vực thị xã Duy Tiên, các thị trấn, thị tứ cũng tăng từ 70 – 100%. 

Cẩn trọng với giá ảo trên thị trường bất động sản
Một trung tâm môi giới BĐS ở TP Phủ Lý.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, Hà Nam là tỉnh đang phát triển nhanh, có tiềm năng sinh lời từ BĐS. Vị trí BĐS được nhiều người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư đó là: Trung tâm TP Phủ Lý và trung tâm các thị trấn, thị tứ; vị trí quy hoạch thị trấn; khu vực xung quanh Cơ sở 2 (Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức); khu vực đường vào Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao. Theo phân tích của các chuyên gia BĐS, sở dĩ đất nền ở Hà Nam tăng cao vì: gần Thủ đô Hà Nội, lại có nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào các KCN, có cơ sở 2 (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức); có Khu đô thị đại học, Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao… đó là điều kiện để thu hút dân số cơ học vào địa bàn và hướng đầu tư BĐS sinh lời. Cũng chính vì lý do đó mà rất nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh Nam Định, Hà Nội về mua đất tại Hà Nam. Bên cạnh đó, do lãi suất ngân hàng thấp, vàng và chứng khoán diễn biến phức tạp nên nguồn tiền đổ vào BĐS tăng. Ngoài ra, giá đất tăng cao có thể còn do một số “cò đất’’ lợi dụng thổi giá lên để trục lợi. 

Thủ đoạn thổi giá đất của “cò đất’’ rất tinh vi, có thể ở trong cùng một khu vực Nhà nước cho đấu giá quyền sử dụng đất, nhà đầu tư cho người tham gia đấu giá rất cao một vài lô đất, sau đó tung ra bán các lô đất trong khu vực. Nếu người mua không tỉnh sẽ mua phải giá ảo. Hay chính trong cùng một khu dân cư, các nhà đầu tư tự chuyển nhượng qua lại cho nhau nhiều lần và đẩy giá đất trong khu vực lên. 

Ông Trần Văn Chiến ở Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội cho hay: Cách đây gần 2 năm, khi giá đất ở Đường Lê Duẩn (hay còn gọi đường 42m, TP Phủ Lý) có giá từ 70 triệu đồng, sau đó một thời gian ngắn được đẩy lên gần 100 triệu/m2. Thấy vậy tôi cũng đầu tư mua một lô, đến thời điểm này rao bán hòa vốn cũng chưa được. Với mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, tôi tính nếu sau 2-3 năm nữa không bán được tôi sẽ mất 1,5 - 2 tỷ tiền lãi ngân hàng.

Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ các hộ dân mua bán đất, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng khoảng 30% so với năm 2019. Trong số trên, nhiều hộ mua bán đất chuyển nhượng cho nhau, trong đó có nhiều Giấy chứng nhận vừa mới cấp cho người này, sau đó lại làm thủ tục chuyển cho người khác. 

Thời gian này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người dân có nhu cầu mua đất để xây nhà ở cần cân nhắc kỹ để tránh mua phải giá ảo. 

Tăng cường công tác quản lý  kinh doanh BĐS

Trong thời điểm hiện nay, hầu hết các ngân hàng trên địa bàn rất hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh BĐS. Theo nhiều ngân hàng thương mại, việc đầu tư nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều ngân hàng chỉ đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, cho các hộ dân vay vốn cải thiện cuộc sống, mua đất, xây nhà ở và không đầu tư cho vay kinh doanh BĐS. 

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam II, cho biết: Quan điểm của chi nhánh không đầu tư vốn cho khách hàng vay kinh doanh BĐS, bởi đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong thời gian giá đất tăng đột biến, việc đánh giá tài sản cũng được ngân hàng thực hiện rất chặt chẽ, bằng việc thuê một công ty thẩm định giá BĐS từng khu vực, phù hợp với giá thực tế và giá của Nhà nước quy định. Trên cơ sở đó, ngân hàng định giá tài sản để giải ngân nguồn vốn cho vay phù hợp. Tránh tình trạng định giá ảo, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn vốn giải ngân. 

Cũng như Chi nhánh Agribank Hà Nam II, thời gian này thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của ngân hàng cấp trên, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh rất hạn chế đầu tư nguồn vốn vào lĩnh vực BĐS. Các ngân hàng đầu tư cho vay mua đất xây nhà ở nhằm giúp cho khách hàng cải thiện cuộc sống gia đình.

Để tăng cường việc quản lý đất đai cũng như quản lý tốt thị trường BĐS theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 706/UBND-GTXD yêu cầu chấn chỉnh hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký kết hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng đất đối với tổ chức, cá nhân không đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với ban quản lý các khu đô thị mới, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh đang triển khai. Qua đó, kịp thời phát hiện, tham mưu, xử lý nghiêm các hành vi giao dịch, kinh doanh các sản phẩm BĐS khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Các chủ đầu tư, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí để công bố thông tin rộng rãi về các dự án (tình trạng pháp lý, quy mô, tiến độ…) trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt các thông tin chính xác về các quy định cụ thể của pháp luật; kịp thời ngăn chặn tình trạng thông tin sai sự thật về dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư, gây bất ổn tình hình thị trường BĐS, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có văn bản hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp các thông tin về quy hoạch, về dự án đầu tư cho các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý các vướng mắc.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy