“Nút thắt” trong bảo vệ môi trường ở làng dệt Nha Xá

Làng nghề dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, Duy Tiên) là một trong 35 làng nghề truyền thống của Hà Nam. Trong khi một số làng nghề rơi vào khó khăn do chưa tìm được hướng đi mới phù hợp, làng dệt lụa Nha Xá lại phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trong sự phát triển đi lên, người làng lụa vẫn còn nhiều trăn trở về việc bảo vệ môi trường.

Nước tẩy chuội được người dân làng nghề Nha Xá để lắng trong bể sau đó xả thẳng ra môi trường tự nhiên.

Tương truyền, nghề dệt ở Nha Xá có từ cách đây trên 700 năm, do Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư - một vị tướng có tính cách khác biệt của triều Trần truyền dạy. Anh Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá thuộc lớp người trẻ, những người đang tiếp nối truyền thống cha ông, giữ gìn và phát triển làng nghề cho biết: Trước đây, phương tiện dệt là khung cửi dệt bằng tay hai chân đòn với nguyên liệu là bông vải sợi. Từ sản phẩm thô, người dân nhuộm thủ công bằng bùn ao, củ nâu và lá bàng. Sau đó khung cửi được cải tiến làm bằng gỗ xoan, rồi bằng sắt chắc chắn và bền hơn. Những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, làng nghề vẫn duy trì nghề dệt vải với các sản phẩm chủ yếu là khăn mặt và dệt màn. Đây cũng là thời điểm đất nước và thế giới có nhiều biến động, mặt hàng này mất dần thị trường, làng nghề lâm vào thế khó. Đúng vào thời điểm gian nan, nhiều người dân có ý định bỏ nghề thì một người con của Nha Xá mang nghề dệt lụa tơ tằm về. Ban đầu người dân sản xuất bằng sợi tơ cấp C (chất lượng tơ thấp), sản phẩm làm ra không đẹp, hoàn toàn là lụa trơn. Mày mò về kỹ thuật, nâng cấp, cải tiến máy móc dần dần người dân nhập các loại tơ có chất lượng cao cấp hơn. Lúc này ngoài dệt lụa trơn, Nha Xá còn có thêm sản phẩm đũi, lanh và khăn quàng các loại. Nhưng giá trị sản phẩm chưa cao, chưa có chỗ đứng trên thị trường. Khâu đột phá quan trọng nhất cũng do một người con quê hương lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, đã mang công nghệ dệt lụa hoa về làng nghề. Cùng với việc nâng cấp dệt bằng máy công nghiệp, hơn 10 năm nay, sản phẩm lụa hoa của Nha Xá được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa thích. Không những có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước, thương hiệu lụa Nha Xá đã vươn ra thị trường các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp.

Hiện nay, Nha Xá có 140 hộ sản xuất, kinh doanh lụa, các hộ còn lại dệt lụa thô hoặc tham gia vào các công đoạn khác của làng nghề. Nguồn nguyên liệu hiện nay được người dân lấy từ Nhà máy tơ Lâm Đồng, nguồn hàng ổn định, chất lượng tơ bảo đảm. Máy móc được cải tiến nhỏ gọn, sử dụng ít nhân công. Mỗi tháng, làng nghề cho ra khoảng 2 vạn mét lụa, trong đó có 50% là lụa hoa, 50% là lụa trơn và các sản phẩm khác. Cũng theo anh Quảng, Nha Xá hiện chỉ có 10 hộ làm công đoạn tẩy chuội và nhuộm màu. Một số năm trước, các hộ sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc vào khâu này. Hóa chất Trung Quốc chất lượng kém, muốn lên màu phải sử dụng với số lượng nhiều nhưng màu chỉ "ăn" vào vải 3 phần còn 7 phần theo nước thải ra môi trường. Ý thức được vấn đề này, người dân Nha Xá đã chuyển sang các loại hóa chất của châu Âu, màu lên bền và đẹp hơn, lượng hóa chất dư thừa thải ra môi trường ít hơn, chỉ khoảng 2 phần. Tất cả các hộ làm nghề ở Nha Xá đều có cam kết bảo vệ môi trường, trong đó các hộ tẩy chuội, nhuộm lụa đều tự xây bể lắng ít nhất từ 1 - 2 ngăn sau đó mới thải nước ra môi trường tự nhiên.

Ông Thiết, Trưởng thôn Nha Xá cho biết: Chưa có một cuộc khảo sát toàn diện nào ở Nha Xá để đưa ra các chỉ số ô nhiễm môi trường. Nhưng việc nước thải làng nghề được người dân xử lý thủ công xong xả thẳng ra môi trường tự nhiên với nhiều chất hóa học về lâu dài có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và chất lượng sống. Để làng nghề phát triển bền vững, thu gom và xử lý được nguồn nước thải vẫn là mong muốn của toàn bộ dân làng. "Nút thắt" hiện nay của dân làng là chưa có mặt bằng để tiếp nhận dự án xử lý nước thải làng nghề.

Mang thắc mắc này về UBND xã Mộc Nam, đồng chí Nguyễn Mạnh Trinh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Trạm xử lý nước thải làng nghề dệt nhuộm Hòa Hậu và Nha Xá. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các xã phải quy hoạch, giải phóng được mặt bằng theo diện tích quy định thì dự án mới được triển khai. Do vị trí địa lý và sự phân bố dân cư nên Mộc Nam gặp khó khăn về quỹ đất, kinh phí đền bù cao nên mãi đến năm 2015, xã mới tiến hành giải phóng được 9.000m2. Nhưng đến thời điểm này thời gian thực hiện dự án đã hết. Vì vậy, để giải quyết vấn đề xử lý nước thải ở Nha Xá, xã rất mong UBND tỉnh cũng như các sở, ngành có liên quan quan tâm tiếp tục thực hiện dự án để làng nghề tiếp tục phát triển đi lên và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Trạm xử lý nước thải làng nghề khá quy mô, áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh việc vừa bảo đảm được sản xuất, vừa bảo vệ được môi trường, người dân khi tiếp nhận dự án sẽ thay đổi tư duy làm nghề từ tự phát sang tự giác, có cơ hội mở rộng sản xuất với quy mô lớn, sản lượng và chất lượng tăng cao góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Và khi làng giữ được nghề truyền thống thì loại hình du lịch làng nghề cũng sẽ phát triển theo. Thương hiệu và các sản phẩm làng nghề lúc đó sẽ được lan rộng, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy