Kim Bảng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là lợi thế có các khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn, những năm qua, huyện Kim Bảng đã quan tâm thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).

Theo đó, giá trị sản xuất CN –TTCN trên địa bàn huyện hằng năm đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt trên 21.900 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021. Trong đó, có nhiều sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao, như may mặc; gạch ngói nung; khung tranh ảnh; đồ mỹ ký, gốm son… với mức tăng từ 11% đến 41% so với năm 2021. 

Để thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025, UBND huyện Kim Bảng đã tập trung chỉ đạo nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ; phối hợp đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp; triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Kim Bảng đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất mặt hàng may mặc tại Công ty TNHH MTV Seang Corporation Việt Nam, Cụm công nghiệp Nhật Tân (Kim Bảng).

Bên cạnh đó, huyện quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước tại các cụm công nghiệp, bảo đảm các dịch vụ hạ tầng, điện, nước, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, Kim Bảng luôn quan tâm duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm của các làng nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, như: mở hội chợ thương mại, hội chợ về công nghệ để giới thiệu sản phẩm, thương hiệu cho các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn vay, đất đai; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã tại các làng nghề. Đặc biệt, trong những năm qua, huyện Kim Bảng còn chú trọng thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư vào địa bàn.

Trao đổi về nội dung này, ông Vũ Hoàng Long, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Bảng cho biết: Quan tâm thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm huyện có trên dưới 100 doanh nghiệp thành lập mới và khoảng 500 hộ cá thể đăng ký kinh doanh mới. Đối với các cụm công nghiệp, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp của huyện hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp. Huyện cũng đã thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện quy trình, thủ tục lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 3 cụm công nghiệp mới. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp Thi Sơn 1, Đồng Hóa và Lê Hồ. Ngoài các cụm công nghiệp, thời gian qua, huyện Kim Bảng cũng phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, hỗ trợ phát triển Khu công nghiệp Đồng Văn IV với gần 50 doanh nghiệp đang đầu tư; từ đó góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành CN - TTCN trên địa bàn.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Kim Bảng hiện có khoảng 400 doanh nghiệp và gần 8.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể ở các lĩnh vực, ngành nghề chính, như: cơ khí, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, huyện Kim Bảng cũng duy trì hiệu quả hoạt động của 17 làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhờ đó, hoạt động CN - TTCN của huyện phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Giá trị sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây không ngừng tăng cao (bình quân trong giai đoạn 2017-2022 tăng trên 20%/năm).

Riêng trong năm 2022, mặc dù sản xuất công nghiệp, hoạt động tại các làng nghề vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ, cước phí vận chuyển, giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao, nhưng giá trị hàng hóa xuất khẩu của huyện vẫn đạt 92 triệu USD, tăng 13,8% so với năm 2021; giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt trên 21.900 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021. Trong đó, phần tỉnh quản lý đạt trên 16.100 tỷ đồng; phần huyện quản lý là 5.800 tỷ đồng. Đối với phần huyện quản lý, giá trị sản xuất công nghiệp ở ngoài cụm công nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp đạt trên 3.526 tỷ đồng; còn lại là tại khu vực dân doanh và các làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện Kim Bảng cho biết: Các cụm công nghiệp của huyện Kim Bảng đã và đang duy trì hoạt động tương đối hiệu quả, nhất là tại Cụm công nghiệp Thi Sơn. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 3.000 lao động với mức thu nhập từ 5,5-9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp của huyện đạt trên 4.000 tỷ đồng, trung tâm xác định cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quyết định thành lập và chuyển chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã được phê duyệt đầu tư dự án; thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, tham mưu xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm trong xây dựng và sản xuất, kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký, các trường hợp thuê hay chuyển nhượng đất và nhà xưởng không đúng quy định của pháp luật…

Năm 2023, huyện Kim Bảng đặt mục tiêu: Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt 24.800 tỷ đồng, tăng 13,2%; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt từ 102 triệu USD, tăng 10,9% so với năm 2022; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 66,3% trong cơ cấu kinh tế.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Kim Bảng sẽ tập trung thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động; quản lý, nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp mới là Thi Sơn 1, Lê Hồ, Đồng Hóa. Cùng với đó, chú trọng thực hiện tốt công tác phối hợp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các xã, thị trấn gắn với sản phẩm truyền thống của địa phương và phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp và chú trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề… 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.