Hoàn thiện quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long

Thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ và Chương trình công tác năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long.

Để triển khai thực hiện, Trung tâm tiếp tục thu thập bổ sung các tài liệu, dữ liệu có liên quan; tổ chức hội thảo về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục hoàn thiện mô hình tính toán các kịch bản quy hoạch, nội dung đánh giá hiện trạng lưu vực sông gồm: tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, kinh tế - xã hội…

Hoàn thiện quy hoạch lưu vực sông Hồng  Thái Bình và sông Cửu Long

Cùng với việc triển khai lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, năm 2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng tập trung nguồn lực triển khai “Điều tra, đánh giá sạt lở bờ sông và xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ sạt lở các sông chính vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Theo đó, Trung tâm tập trung điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung số liệu thủy văn, bùn cát, điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình các sông chính quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long; xác định các đoạn sông có nguy cơ xói lở, sạt lở nghiêm trọng; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình với điều kiện địa chất công trình của từng khu vực dọc các sông lớn góp phần định hướng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông…

Năm 2022, Trung tâm cũng thu thập tài liệu, số liệu về chất lượng nước, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh; phối hợp với Cục Viễn thám quốc gia để rà soát nội dung, công việc phù hợp với yêu cầu quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình; tiếp tục phối hợp thu thập tài liệu, số liệu của Đề án "Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công" và đánh giá tài nguyên nước phía thượng nguồn lưu vực sông Cửu Long...

Cùng với đó, Trung tâm đã trao đổi và cung cấp các tài liệu, số liệu của quy hoạch tổng hợp 2 lưu vực sông để Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện xây dựng báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC); tiếp tục phối hợp triển khai trong quá trình thực hiện đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục nêu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo ông Tống Ngọc Thanh, hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước theo các tần suất 50%, 85%, 95%; đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020... Ngoài ra, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch theo giai đoạn hiện trạng và trong kỳ quy hoạch (2025, 2030, 2050) với các yếu tố tác động như nguồn nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, hiện trạng khai thác, sử dụng nước.

Diệu Thúy (TTXVN)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy