HĐQT NHCSXH Việt Nam kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Hà Nam

Ngày 15/4, Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam làm trưởng đoàn và cán bộ các ban của NHCSXH Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT – NHCSXH tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT – NHCSXH tỉnh, lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH Hà Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, hội đoàn thể nhận ủy thác vay vốn NHCSXH.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH Việt Nam kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Hà Nam
Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT - NHCSXH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn, nhưng bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, ngành, Nghị quyết của HĐQT, Ban đại diện HĐQT – NHCSXH các cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tính đến 31/3/2022, tổng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn là 2.331.288 triệu đồng.Tổng dư nợ các chương trình tín dụng 2.323.459 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,14%. Doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2022 đạt trên 269 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là trên 46.000 người. Tỷ lệ nợ quá hạn đến 31/3/2022 chiếm 0,17% tổng dư nợ.

Năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay chất lượng tín dụng chính sách tại chi nhánh xếp loại tốt. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ được thực hiện đúng quy định của ngành và Ban đại diện HĐQT- NHCSXH các cấp đề ra. Việc thực hiện chỉnh sửa những sai sót, tồn tại theo chỉ đạo, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra được các đơn vị nghiêm túc tiếp thu và khắc phục kịp thời. Năm 2021, Hội đoàn thể cấp tỉnh kiểm tra, giám sát 24/24 lượt huyện, 35 lượt xã, 97 lượt tổ, 73 lượt hộ vay vốn; Hội đoàn thể cấp huyện kiểm tra giám sát được 414 lượt tổ cấp xã, 852 lượt TTK&VV và 2.652 lượt hộ vay vốn. Trong 3 tháng qua, Hội đoàn thể cấp huyện đã kiểm tra 27 lượt xã, 38 TTK&VV và 195 hộ vay.

Tại hội nghị, Ban đại diện HĐQT – NHCSXH tỉnh đã nêu những tồn tại và đề xuất những biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động như: mở rộng đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn, nâng mức cho vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách; tăng cường công tác quản lý, nhất là trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã đối với việc giám sát đối tượng vay, tránh trường hợp vay ké, không đúng đối tượng ảnh hưởng đến công tác quản lý và người có nhu cầu vay nhưng không có vốn. Đề nghị UBND tỉnh, huyện tăng nguồn vốn bổ sung của địa phương và NHCSXH Việt Nam quan tâm bố trí thêm nguồn cho vay chương trình giảm nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2021 -2025…

Qua ý kiến đóng góp của các đại biểu và thực tiễn hoạt động kiểm tra giám sát tại cơ sở, đồng chí Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Ủy viên HĐQT NHCSXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam đã biểu dương những kết quả thực hiện chương trình tín dụng chính sách của tỉnh Hà Nam. Nổi bật là tất cả hộ nghèo và các đối tượng chính sách đều được vay vốn đúng quy định và mức vay đạt 50,5 triệu đồng/hộ, cao hơn 10 triệu đồng so với bình quân chung cả nước.

Công tác quản lý vốn vay được Ban đại diện HĐQT – NHCSXH các cấp thực hiện theo đúng nghị quyết đề ra, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, phường, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với chính sách tín dụng. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương được nâng cao, từ đó hoạt động của TTK&VV thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng. Đồng chí tiếp thu những đề xuất,  kiến nghị của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện các nội dung báo cáoHĐQT – NHCSXH Việt Nam.

Thượng tướng Phạm Hồng Hương đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng để giảm nợ quá hạn, nhất là trường hợp sử dụng vốn đã đi khỏi địa bàn, quan tâm bổ sung vốn địa phương cho hoạt động tín dụng chính sách, bởi hiện nay Hà Nam là một trong 3 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng có nguồn vốn bổ sung thấp nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT – NHCSXH tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn Kiểm tra, giám sát và đại diện các sở, ngành của tỉnh để có những biện pháp tích cực hơn đối với công tác quản lý, bổ sung vốn vay trên địa bàn. Đồng chí nhấn mạnh, hoạt động tín dụng chính sách những năm qua đã có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và mong muốn Ban đại diện HĐQT – NHCSXH Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hơn nữa, nhất là hoạt động tín dụng ưu đãi giúp Hà Nam trở thành tỉnh giàu mạnh trong khu vực.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH Việt Nam kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Hà Nam
Các đại biểu dự hội nghị

Trước đó (ngày 14/4/2020) Đoàn kiểm tra, giám sát, đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã Thi Sơn, kiểm tra, giám sát một số TTK&VV của địa phương và Ban đại diện HĐQT – NHCSXH huyện Kim Bảng về kết quả thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Đức Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy