Tiếp tục nâng hạng chất lượng sản phẩm OCOP

Sau 3 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhờ đó tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này. 

P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả từ Chương trình OCOP ở tỉnh ta thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Đề án OCOP tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để thực hiện; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể ở mỗi địa phương. Chương trình này trên địa bàn tỉnh đã khởi động từ cuối năm 2018 và bắt đầu thực hiện đầu năm 2019. 

Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình đã được nhân rộng ở 20 xã, phường, thị trấn. Chương trình triển khai đồng bộ các biện pháp từ khâu tuyên truyền đến thực hiện và được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp quan tâm, tích cực tham gia và đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Đến nay, UBND tỉnh đã xếp hạng cho 41 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Trong đó, có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao và toàn tỉnh có 22 chủ thể tham gia (11 doanh nghiệp, 3 HTX, 8 hộ gia đình).

Tiếp tục nâng hạng chất lượng sản phẩm OCOP
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng thăm trang trại chăn nuôi gà thảo dược của Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: Mạnh Hùng

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP ở tỉnh ta đã có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả của chương trình đã làm thay đổi tư duy về sản xuất của người dân và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, chương trình còn giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, phát huy trí tuệ, khả năng sáng tạo, hình thành tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực sản xuất hàng hóa, kiến thức tiếp cận thị trường cho người dân. Đồng thời, phát huy nguồn lực cộng đồng về tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống, thói quen của cư dân trên địa bàn.

Về hiệu quả kinh tế, chương trình đã có tác động đến việc nhân rộng mô hình sản xuất mới và phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu, giúp các địa phương hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Việc ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo kết quả thống kê về doanh thu cũng như thu nhập của các chủ thể tham gia chương trình đều tăng từ 15 - 20% so với trước đây. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng các sản phẩm được chứng nhận OCOP của Hà Nam đều tăng khoảng 5%. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên đã tham gia vào chuỗi siêu thị, được nhiều người tiêu dùng biết đến và từng bước tạo dựng, củng cố uy tín, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Điển hình như các sản phẩm từ sữa ở thị xã Duy Tiên; ruốc cá, chả cá, cá kho, đông trùng hạ thảo ở các huyện Kim Bảng và Lý Nhân. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã có 25 ý tưởng sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt ở 12 xã, phường, thị trấn và 25 sản phẩm được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

P.V: Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng: Trước hết, quá trình triển khai thực hiện chương trình luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tích cực tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt đề án giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, Hà Nam có hệ thống giao thông được xây dựng kết nối đồng bộ đã tạo thuận tiện cho việc trung chuyển hàng hóa trong khu vực. Hơn nữa, đề án đã nhận được sự đồng lòng của người dân, sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn, đặc biệt là sự hưởng ứng của các chủ thể có sản phẩm phù hợp với Chương trình OCOP trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình OCOP ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại, khó khăn nhất định. Đó là, nguồn lao động hiện nay đang dần chuyển dịch sang các ngành nghề, dịch vụ khác có thu nhập cao; công tác xúc tiến thương mại, xây dựng kênh phân phối sản phẩm tại một số thời điểm không ổn định, nhất là các sản phẩm sau khi được công nhận (3 sao, 4 sao...). Điều này, đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ và sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các chủ thể.

Để khắc phục những khó khăn trên phải xác định rõ những việc cần làm, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về chương trình và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến việc tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn ưu đãi cho người dân, chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn. Bên cạnh đó, ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng đến phát triển bền vững. Theo tôi, đây chính là then chốt để tạo cơ sở, động lực quan trọng thúc đẩy Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

P.V: Xin đồng chí cho biết định hướng phát triển Chương trình OCOP ở tỉnh ta những năm tới?

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng: Cùng với nỗ lực xây dựng uy tín về chất lượng của các chủ thể với sản phẩm được công nhận xếp hạng OCOP, cần quan tâm, chú trọng đến việc cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, ngành và các chủ thể trong việc đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Về định hướng Chương trình OCOP, theo tôi cần tiếp tục duy trì thường niên, liên tục theo các bước tuần tự như sau: tuyên truyền, hướng dẫn về Chương trình OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2022 Chương trình OCOP ở tỉnh ta sẽ tiếp tục nâng hạng chất lượng sản phẩm và phấn đấu có từ 18 – 25 sản phẩm được công nhận xếp hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên, đặc biệt quan tâm xây dựng sản phẩm được công nhận chất lượng 5 sao. Thực hiện tốt chương trình sẽ có tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức của người dân, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và gia tăng giá trị nông sản của Hà Nam.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh!

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.