Thương mại, dịch vụ phục hồi và có nhiều khởi sắc

Nhìn lại tổng thể bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2022 có thể thấy, những mảng màu sáng tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (TM,DV). Khi mọi hoạt động của đời sống xã hội, nhất là du lịch được mở cửa trở lại đã góp phần quan trọng "kích cầu" để các ngành dịch vụ trở lên sôi động hơn trong trạng thái bình thường mới. Hầu hết các ngành trong lĩnh vực TM,DV đều có những khởi sắc với sức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng KT-XH đã đề ra trong năm 2022.

Nhiều nhóm ngành hàng, dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao

Năm 2022, hoạt động TM, DV trên địa bàn tỉnh được phục hồi và ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với năm trước ở hầu hết các ngành. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành là những ngành có tốc độ tăng đứng đầu các nhóm lĩnh vực do đây là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch Covid-19 bùng phát. Người dân dần thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới nhờ đó các điểm vui chơi, nhà hàng, quán ăn, khách sạn có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, doanh thu tăng cao và tiệm cận gần với mức doanh thu như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Thương mại dịch vụ phục hồi và có nhiều khởi sắc
Siêu thị Lan Chi Vĩnh Trụ (Lý Nhân) kinh doanh đa dạng chủng loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh trong năm 2022 ước đạt trên 41.200 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ ước đạt trên 34.100 tỷ đồng, tăng 32%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng 48,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 340 tỷ đồng, tăng gấp gần 33 lần; doanh thu dịch vụ khác đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2021. Trong ngành bán lẻ, có tới 11/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với năm 2021 với mức tăng từ 2% đến gần 60%.

Trong bức tranh tổng quan của hoạt động TM, DV năm 2022 có thể thấy hoạt động du lịch lữ hành là điểm sáng ấn tượng với mức tăng trưởng về doanh thu đạt gần gấp 33 lần so với năm 2021. Đây được xem là động lực cho sự phục hồi, phát triển, góp phần quan trọng vào hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh. Từ trung tuần tháng 3/2022, khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại đã phá vỡ tình trạng “đóng băng” của ngành du lịch lữ hành sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Chính sự phục hồi, phát triển của ngành du lịch đã kéo theo doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng cao. Đây là minh chứng rõ nét cho sự bứt phá, phục hồi mà ngành du lịch Hà Nam đã nỗ lực trong năm qua. Đồng thời khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa – thể thao và du lịch.

Qua trao đổi với ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam được biết, trong năm 2022, sở đặc biệt quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Sở chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch xây dựng các gian hàng quảng bá du lịch tại hội chợ, triển lãm, các hoạt động, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, phối hợp, tham gia hội thảo chương trình Famtrip giới thiệu, xúc tiến du lịch tại các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang; liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch với trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh trong khu vực… Nhờ đó, ước tính số lượng khách du lịch đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đạt trên 3,1 triệu lượt, đạt 119% kế hoạch năm.

Nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn về giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, khan hiếm đơn hàng do tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao, hoạt động xuất khẩu năm 2022 cũng đạt kết quả ấn tượng với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2021 và vượt 26,6% kế hoạch năm. Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận nhiều điểm sáng đối với các mặt hàng chủ lực như thiết bị điện, điện tử, bộ dây điện ô tô, xe máy, linh kiện và thiết bị điện tử… với mức tăng từ 15-25% so với năm 2021. Tại thị trường trong tỉnh, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng mạnh ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã với sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại. Ngày càng xuất hiện nhiều điểm mua sắm tự chọn, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm điện máy... đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân và góp phần thay đổi bộ mặt của các vùng nông thôn, thúc đẩy thương mại, lưu chuyển hàng hóa của tỉnh phát triển.

Đánh giá về kết quả đạt được trong hoạt động TM, DV của tỉnh trong năm 2022, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Trong năm qua, các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh được triển khai đã góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành, trong đó có hoạt động TM, DV và xuất khẩu. Sở cũng đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Trong năm, tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ tương đối ổn định, sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

Năm 2022, lĩnh vực TM, DV tiếp tục ghi nhận quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đối với tất cả các ngành: du lịch lữ hành; lưu trú, ăn uống; bán lẻ hàng hóa... Theo đó, khách hàng có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ một cách thuận tiện nhất thông qua thiết bị công nghệ và mạng internet. Có thể kể đến như hệ thống siêu thị Vinmart+, siêu thị Điện máy xanh, Thế giới di động, FPT Shop, Tokyo Life, những nhãn hiệu thời trang lớn (Yody, Nem, Ivy, Canifa, Amado…) hay các khách sạn, nhà hàng có quy mô lớn đều là những đơn vị quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số. Với việc xây dựng, duy trì hiệu quả các ứng dụng, tiện ích trên thiết bị điện thoại thông minh, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cập nhật thường xuyên tình hình giá cả, cách thức đặt hàng, chi tiết sản phẩm, chương trình khuyến mại, giảm giá, mức ưu đãi dành riêng cho từng khách hàng… Từ đó hình thành thói quen cho người tiêu dùng trong việc xem hàng online và mua sắm trực tuyến đối với các mặt hàng hóa, dịch vụ.

Thương mại dịch vụ phục hồi và có nhiều khởi sắc
Nhân viên cửa hàng Viettel Store, đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Phủ Lý tư vấn các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho khách hàng.

Chị Bạch Thị Ngân, Phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý cho biết: Giờ đây, với nhiều ứng dụng tiện ích từ ngân hàng như dịch vụ thanh toán bằng mã QR, chuyển khoản không mất phí cộng với nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá từ các cửa hàng khi cài đặt ứng dụng của nhãn hàng trên điện thoại di động, tôi thấy rất thuận tiện mỗi khi mua sắm. Thông qua các ứng dụng đó, tôi được tích điểm, trừ tiền cho lần mua sắm tiếp theo, đồng thời có thể chủ động theo dõi sản phẩm mình thường xuyên sử dụng và kịp thời đặt mua khi cửa hàng có chương trình giảm giá. Ngoài ra, tôi thấy hiện nay ngày càng có nhiều cửa hàng, siêu thị thực hiện dán tem QR code tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc kiểm tra các thông tin về nguồn gốc sản phẩm ngay trên điện thoại thông minh. Vì thế, tôi khá yên tâm khi mua hàng, nhất là với mặt hàng rau, quả, thực phẩm.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong năm qua, không chỉ các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại lớn mà nhiều cửa hàng kinh doanh với quy mô nhỏ, cơ sở bán lẻ hàng hóa trong khu dân cư như quán nước, quán ăn sáng, quán cắt tóc, gội đầu, cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, thậm chí là các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ dân sinh cũng đã áp dụng rộng rãi nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, quét mã QR, đặt mua online hay tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua tem QR code, từng bước tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chị Trần Phương Thảo, chủ một cửa hàng uốn tóc, chăm sóc da và kinh doanh mỹ phẩm tại đường Trần Quang Khải, Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cho biết: Nếu như trước đây, khách hàng còn cảm thấy rất e dè khi chọn mua sản phẩm chăm sóc da mặt, hỗ trợ điều trị mụn hay dầu gội đầu thì giờ đây, họ đều cảm thấy yên tâm sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem QR code. Tôi cũng đẩy mạnh hơn việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình trên các trang mạng xã hội, các hội, nhóm nên lượng khách hàng đến sử dụng dịch vụ và đặt mua mỹ phẩm bằng hình thức trực tuyến và thanh toán thông qua chuyển khoản trong năm vừa qua cũng tăng lên nhanh chóng. Có thời điểm, làm dịch vụ và bán hàng nhiều ngày liền nhưng tôi không có tiền mặt trong ví. Ngoài ra, tôi cũng tìm hiểu, làm việc với ngân hàng để cung cấp ứng dụng quét mã QR code, VN Pay nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 30% doanh nghiệp bán lẻ có website riêng, thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm. Để giúp doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phát triển nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa, thời gian qua, Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam cũng đã thường xuyên đăng tải, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, xây dựng các tiện ích trực tuyến. Đến nay, sàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tỉnh phát triển gian hàng, giới thiệu trên 1.000 sản phẩm nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… tới người tiêu dùng, từng bước tạo dựng môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành TM, DV trên địa bàn tỉnh. Trên 70% người tiêu dùng có sử dụng điện thoại thông minh đã tham gia hoạt động mua sắm, thanh toán thông qua nền tảng số.

Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương khẳng định: Để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong thời đại công nghiệp 4.0, nhất là trong năm 2022 khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi, phát triển và thói quen mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi, các nhà bán lẻ đã nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quảng bá sản phẩm, bán hàng, thanh toán, quản lý… Điều này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua, góp phần thúc đẩy ngành thương mại, dịch vụ phát triển, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển TM, DV, trọng tâm là du lịch và logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại, bảo đảm nguồn cung ứng các loại hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.

Thương mại dịch vụ phục hồi và có nhiều khởi sắc
Cán bộ Sở Công thương Hà Nam kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2023.

Năm 2022, Sở Công thương Hà Nam đã triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại phát triển. Cụ thể, sở thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định về niêm yết giá, bán hàng theo đúng giá niêm yết, chấp hành đúng quy định về thời gian bán hàng. Sở phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật công thương Thanh Hóa tổ chức lớp huấn luyện an toàn đối với hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng cho 80 cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Viettel Hà Nam triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 cho 18 chợ trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích các tiểu thương trong chợ hưởng ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng triển khai hiệu quả công tác quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, hội chợ, khuyến mại, cấp phép bán buôn rượu, thuốc lá bảo đảm đúng quy định; duy trì vận hành khai thác Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam, phần mềm xúc tiến bán hàng trực tuyến trên địa bàn tỉnh… Trong năm 2022, Sở Công thương cũng đã tham mưu Hội Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Theo kế hoạch phát triển TM, DV của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng ngành TM, DV bình quân đạt 10%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu hàng hóa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Năm 2023, phấn đấu tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn toàn tỉnh đạt 47.722 tỷ đồng, tăng 16,5%; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2022. Phấn đấu trong năm 2023, tỉnh Hà Nam đón 3,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 20,6%; doanh thu du lịch đạt 3.112 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2022…

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương, các địa phương và các doanh nghiệp cần khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất cũng như đời sống nhân dân; tích cực gắn kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển du lịch, đặc biệt là khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao; khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm; tích cực và chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ và sâu rộng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường; tăng cường tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung - cầu hàng hóa ổn định, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng…

Mặc dù sức mua của người dân đối với một số nhóm hàng, dịch vụ chưa thể tăng cao như thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid -19 nhưng những kết quả đạt được trong lĩnh vực TM, DV trong năm vừa qua đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán lẻ sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Đặc biệt, nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã có sự tăng trưởng đáng kể, góp phần ổn định doanh thu cho các đơn vị, cửa hàng bán lẻ. Hi vọng sự phục hồi của các ngành kinh tế nói chung sẽ giúp đời sống người dân ổn định hơn và tạo ra sự tăng trưởng nhanh cho ngành TM, DV trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.