Thôn đa nghề Lạc Nhuế phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19

Thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) vốn nổi tiếng từ việc phát triển đa dạng ngành nghề: may túi, quần áo thổ cẩm, sản xuất khung ảnh, tranh gỗ, đồng mỹ nghệ, đến thêu, sản xuất đồ gỗ… Sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện nay làng nghề đang từng bước chuyển mình, phục hồi và phát triển. Người dân làng nghề dần trở lại với nhịp sinh hoạt, sản xuất tấp nập vốn có.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH thêu Như Ý, thôn Lạc Nhuế, khu xưởng rộng bị bỏ trống do máy móc phải bán đi trong thời gian cao điểm của dịch đang được dọn dẹp, chỉnh trang chuẩn bị lắp đặt trở lại 10 máy thêu. Như vậy, với 6 máy đang duy trì hoạt động, số lượng máy thêu của doanh nghiệp tới đây tương đương với giai đoạn trước dịch. Công ty TNHH thêu Như Ý chủ yếu gia công các chi tiết thêu trên áo cho những doanh nghiệp may mặc lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty chịu ảnh hưởng chung với các doanh nghiệp may dẫn đến chỉ duy trì sản xuất cầm chừng, phải cắt giảm số máy, giảm thời gian sản xuất. Nhằm tránh thua lỗ, công ty đã thanh lý 60% số lượng máy thêu, tập trung việc cho số máy còn lại. Riêng về nhân lực, để giữ lao động chờ phục hồi sản xuất, công ty vẫn trả lương cố định hằng tháng theo hợp đồng, chọn giải pháp chia ca làm luân phiên. Hiện nay, khi thị trường may mặc ổn định, Công ty TNHH thêu Như Ý đang phục hồi lại sản xuất như ban đầu. Ngoài xưởng thêu, công ty đang xúc tiến việc đưa vào hoạt động xưởng in áo được đầu tư 2 năm nay với số vốn lên đến 4 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Hanh, Giám đốc Công ty TNHH thêu Như Ý cho biết: Các hợp đồng hiện nay đã duy trì trở lại. Doanh nghiệp cố gắng khôi phục nhanh sản xuất để phát triển và bù vào phần thiệt hại sau mấy năm ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Thôn đa nghề Lạc Nhuế phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid19
Sản xuất tại Công ty TNHH thêu Như Ý, thôn Lạc Nhuế đang dần được phục hồi. 

Cũng như Công ty TNHH thêu Như Ý, cơ sở sản xuất may áo và túi thổ cẩm của anh Trần Văn Tính, thôn Lạc Nhuế đang phục hồi tốt sản xuất. Tuy nhiên, anh Tính đã chuyển sang may áo lưu niệm cung cấp cho các cửa hàng bày bán tại những khu du lịch, bãi biển. Việc thay đổi này giúp anh tiếp cận được với thị trường tốt hơn do sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đang cần. Hướng đi này giúp cơ sở của anh Tính duy trì được cả số lượng lao động và máy may như trước thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Anh Tính chia sẻ: Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, chuyển sang trạng thái bình thường mới, cơ sở nhanh chóng tìm hướng đi phù hợp để khôi phục sản xuất. Việc chọn may áo lưu niệm gần với ngành hàng may túi và áo thổ cẩm trước đây có nhiều thuận lợi, tận dụng được cả máy móc và tay nghề người thợ.

Được biết, trong thời gian cao điểm dịch bệnh Covid-19, thôn đa nghề Lạc Nhuế đã bị chịu ảnh hưởng khá lớn. Hầu hết các nghề của người dân trong thôn đều chỉ cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng. Riêng nghề may túi và áo thổ cẩm cung cấp cho các khu du lịch bị tác động lớn nhất, phải ngừng sản xuất. Giai đoạn này, một số cơ sở nhanh nhạy đã chuyển hướng nhận các hợp đồng may khẩu trang, áo bảo hộ y tế cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch. Đây là một trong những biện pháp duy trì nghề của thôn trong giai đoạn khó khăn.

Ông Ngô Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết: Thôn đa nghề Lạc Nhuế tuy rất phát triển, nhưng không có nghề truyền thống. Các nghề ở đây đều xuất phát từ sự nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển linh hoạt, thay đổi theo xu thế chung để phù hợp. Thôn đa nghề Lạc Nhuế đang bắt đầu phát triển trở lại đóng góp vào phát triển kinh tế chung của xã sau đại dịch Covid-19.

Thôn đa nghề Lạc Nhuế có tổng số hơn 260 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động của địa phương. Giá trị sản xuất các ngành nghề của Lạc Nhuế chiếm tới 80% giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của cả xã. Với những thôn khác trong xã, sản phẩm đa phần gia công cho các cơ sở của thôn Lạc Nhuế. Thôn phát triển nhiều nghề   đã giúp người lao động có mức thu nhập tốt, bình quân đạt 6 – 7 triệu đồng/người/tháng, người làm các khâu kỹ thuật đạt trên 10 triệu đồng/tháng nên không chỉ thu hút toàn bộ lượng lao động của thôn đều tham gia sản xuất ngay tại các cơ sở trên địa bàn, mà còn thu hút thêm một lượng lớn lao động từ các vùng lân cận về làm.

Việc các cơ sở sản xuất từng bước phục hồi là tín hiệu vui cho thôn đa nghề Lạc Nhuế tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy