Tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao

Mấy năm gần đây, chủ trương về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao đã và đang được các địa phương trong tỉnh thực hiện, đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy cải tạo chất lượng đàn bò vàng, khuyến khích sản xuất chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao.

Với chủ trương phát triển đàn bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao theo hướng tập trung cải tạo nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn bò sinh sản, giai đoạn 2017-2020, cơ chế hỗ trợ của tỉnh tập trung hỗ trợ công tác phối giống nhân tạo và thực hiện quy hoạch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng các khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung. Nhờ đó, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi, tháo gỡ một phần khó khăn, tăng quy mô đàn bò thịt, bò sinh sản. Tính đến hết năm 2020, ước tổng đàn bò toàn tỉnh đạt 29.000 con, tăng 13,45% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng đàn bò bình quân trong giai đoạn 2017-2020 đạt 3,2%/năm. Số bò thịt xuất chuồng và sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng bình quân tương ứng khoảng 2,8%/năm và 3,3%/năm. Số bò lai chuyên thịt chất lượng cao tăng đáng kể. 

Tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản bò thịt chất lượng cao
Cánh đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa của Công ty sữa Hà Nam (Hanamilk), xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên. Ảnh: Thành Nam

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt 6 khu quy hoạch, với tổng diện tích là 49,32 ha. Trong đó, huyện Bình Lục quy hoạch 4 khu tại các xã: La Sơn, Vũ Bản, An Đổ và Đồn Xá; huyện Lý Nhân quy hoạch 01 khu tại xã Nhân Đạo; huyện Kim Bảng quy hoạch 01 khu tại xã Tượng Lĩnh. 

Tại huyện Bình Lục, khu quy hoạch tại xã La Sơn có diện tích 13,2 ha, 100% cơ sở hạ tầng, gồm đường bê tông, điện, nước sạch với 9 trại bò, đã nuôi 264 con bò sinh sản và bò thịt. Các trại chăn nuôi đã xuất bán bê giống và bê, bò thịt. UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho xã La Sơn (theo chương trình nông thôn mới) làm đường bê tông trục chính khu quy hoạch chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng mặt đường 5m, với kinh phí khoảng 3,2 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông tại khu quy hoạch xã Vũ Bản; một số hộ còn được hỗ trợ mua máy thái cỏ và xây dựng 03 hệ thống xử lý chất thải trong khu quy hoạch. Khu quy hoạch tại xã Đồn Xá có tổng diện tích 9,98 ha, quy mô 02 trại bò, chăn nuôi 200 con. 

Tại huyện Lý Nhân, khu quy hoạch tại xã Nhân Đạo có tổng diện tích 9,18 ha, quy mô chăn nuôi 200 con, có 2 hộ đầu tư nuôi bò cái sinh sản và bò thịt cho thu nhập khá. 

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, người chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản được hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để lai giống, cải tạo tầm vóc, chất lượng sản phẩm bò thịt. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chất lượng, tầm vóc đàn bò ở các địa phương trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Trên 70% số hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong phối giống cho đàn bò. Số bò có tỷ lệ máu lai Zebu đạt trên 70% (khoảng 9.950 con, chiếm trên 35% tổng đàn). Số bò có tỷ lệ máu lai Zebu từ 50-70% có khoảng 11.300 con (chiếm 40% tổng đàn); chỉ còn khoảng 7.000 con có tỷ lệ máu lai Zebu dưới 50% (bằng 25% tổng đàn). Có 12.000 con bê lai chất lượng cao, tỷ lệ máu lai Zebu trên 60% bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. 

Tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản bò thịt chất lượng cao
Trang trại chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH Xuân Sơn Hà Nam, Khu chăn nuôi bò thịt tập trung xã Đồn Xá (Bình Lục). Ảnh: Thành Nam

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” mặc dù chưa đạt chỉ tiêu về tổng đàn và số lượng các khu quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, nhưng đã tác động tích cực đến cải tạo tầm vóc, chất lượng đàn bò vàng. Chính vì vậy, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2021, tổng đàn bò sinh sản và bò thịt đạt 29.600 con, trong đó, đàn bò sinh sản 25.100 con, đàn bò thịt chất lượng cao 4.500 con. Yêu cầu phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao trong các khu quy hoạch bảo đảm quy mô chăn nuôi trên 200 con bò sinh sản, bò thịt/khu trở lên.

UBND tỉnh giao cho các địa phương chủ động sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của người dân để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung; khuyến khích các hộ đầu tư chăn nuôi trong khu, theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đồng thời, bố trí quy hoạch vùng trồng cây thức ăn để chủ động cung cấp thức ăn thô xanh và khuyến khích các hộ, nhóm hộ chăn nuôi thuê quyền sử dụng đất hoặc dồn đổi đất nông nghiệp được giao vào các khu vực quy hoạch để phát triển đàn bò. 

Cơ chế đã có, việc còn lại là công tác tổ chức thực hiện của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung. Ở xã La Sơn, diện tích quy hoạch còn lại (9,9 ha) là đất trồng lúa, đã giao ổn định của người dân địa phương. Các hộ có đất không muốn cho thuê đất mà muốn chuyển nhượng như giải phóng mặt bằng các dự án công nghiệp, dịch vụ... nên người chăn nuôi không có đủ kinh phí để thực hiện.

Việc quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch ở các khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân một phần là do các địa phương chưa tích cực tổ chức, hướng dẫn công tác dồn đổi ruộng đất, chủ yếu các hộ dân tự thỏa thuận để dồn đổi nên khó thống nhất được giá thuê, hình thức và thời gian thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Để phát triển đàn bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao đạt mục tiêu đề ra, ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho rằng cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời, thực hiện thật tốt công tác phòng bệnh cho đàn bò. Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò diễn biến phức tạp, nếu không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi không yên tâm đầu tư sản xuất. Cần tập trung thực hiện hiệu quả việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn bò; kiểm soát tốt hoạt động giết mổ trâu, bò và tăng cường tuyên truyền, giám sát để người dân không giấu dịch, không chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy