Phòng, chống cháy rừng - Nhìn từ vụ cháy rừng ở Thanh Liêm

Như tin đã đưa, ngày 28/6, trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã xảy ra cháy rừng. Đám cháy xuất phát tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã và nhanh chóng lan rộng theo hướng gió, làm cháy 6,7 ha rừng thông, keo tái sinh của xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh. Đây là diện tích rừng bị cháy rộng nhất trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn Thanh Liêm cũng như của tỉnh. 

Phòng chống cháy rừng nhìn từ vụ cháy rừng ở Thanh Liêm
Cán bộ kiểm lâm và thành viên Tổ bảo vệ rừng xã Thanh Sơn (Kim Bảng) thường xuyên kiểm tra bảo vệ rừng.

Đánh giá về nguyên nhân và mức độ lan nhanh của vụ cháy, ông Hoàng Văn Miền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Liêm cho biết: Trong các khu rừng trồng hiện nay, lượng cây khô và lá rụng rất dày. Đồng thời, nắng nóng lâu ngày dẫn đến khi gặp lửa bén nhanh và lan rộng theo chiều gió. Địa hình rừng bị cháy chủ yếu là đồi dốc nên hoàn toàn sử dụng biện pháp thủ công, không thể đưa trang thiết bị hiện đại tiếp cận. Khi phát hiện đám cháy, huyện Thanh Liêm đã huy động hơn 200 người, trong đó có trên 80 người là dân quân tự vệ của các xã lân cận tham gia dập lửa. Sau 9 giờ đồng hồ đám cháy mới được dập tắt toàn toàn.

Vụ cháy rừng vừa qua tại Thanh Liêm chính là cảnh báo rõ ràng nhất đối với khả năng cháy rừng trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, với nền nhiệt độ cao trong ngày, có thời điểm lên đến 39 – 40oC. Thực tế, khu rừng trồng của xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh những năm trước cũng xảy ra không ít vụ cháy. Lần gần nhất năm 2018, tại thị trấn Tân Thanh (khi đó là xã Thanh Lưu) xảy ra cháy rừng. Không chỉ vậy, nhìn rộng ra cả nước thời gian qua tại nhiều tỉnh cũng đã xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại nhiều ha rừng, trong đó có cả rừng tự nhiên, như: Nghệ An, Hà Tĩnh…

Hiện nay, toàn tỉnh có 5.000 ha rừng, tập trung ở các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng. Trong đó, rừng tự nhiên 3.000 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn trên núi đá. Đặc biệt, huyện Kim Bảng đang triển khai xây dựng khu bảo tồn loài Vọoc mông trắng quý hiếm thuộc rừng tự nhiên của các xã Thanh Sơn, Liên Sơn, Khả Phong và thị trấn Ba Sao. Cùng với đó, trên địa bàn xã Liên Sơn (Kim Bảng) có khu vực rừng bương rộng hàng chục ha. Do vậy, nếu xảy ra cháy rất khó xử lý. Ông Vũ Văn Cần, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Vụ cháy rừng tại huyện Thanh Liêm vừa qua là bài học rất lớn trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, công tác phòng, chống cháy rừng phải được đặt lên hàng đầu đối với tất cả các địa phương và các chủ rừng, nhất là rừng tự nhiên.

Thực tế, với các địa phương có rừng hằng năm đều xây dựng phương án phòng chống cháy theo phương châm "4 tại chỗ", nhất là công tác chỉ huy tại chỗ và lực lượng tại chỗ, bảo đảm huy động kịp thời khi xảy ra sự cố. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống cháy rừng đến người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa thực hiện nghiêm, đúng các quy định. Do vậy, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra như tại xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh vừa qua. Với diện tích rừng trồng hiện nay có  lớp lá, cành khô rất dày do lâu ngày không được thu dọn (trước đây được người dân trong vùng lấy về làm chất đốt). Vì thế, chỉ cần mẩu thuốc đang cháy dở vứt ra hay đốm lửa nhỏ cũng có thể gây nên vụ cháy.

Để phòng, chống cháy rừng hiệu quả, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, gồm: Công an, quân sự, kiểm lâm thường xuyên kiểm tra sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi xảy ra cháy rừng, nhất là những thời điểm nguy cơ cháy cao. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống cháy rừng. Các địa phương cần thành lập tổ, đội quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các khu dân cư nơi có rừng; nghiêm cấm sử dụng lửa trong rừng, nhất là những ngày thời tiết nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không dùng lửa để dọn vệ sinh lớp thực bì ở những vùng được cấp phép khai thác, đây là một trong những nguyên nhân cao gây cháy rừng...

Để phòng, chống cháy rừng hiệu quả, điều quan trọng nhất là sự chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng đối với cả các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan và người dân. Có như thế, diện tích rừng của tỉnh mới được bảo vệ, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.