Nỗi lo thiếu nguyên liệu trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Nguồn cung nguyên liệu ổn định về số lượng, chất lượng và giá thành có vai trò quyết định tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Thế nhưng, nhiều làng nghề ở Hà Nam lại đang rất “khát” nguyên liệu, nhất là với nhóm nghề thủ công mỹ nghệ.

Cơ sở sản xuất gốm Gia Long, làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng). 

Ảnh: Thế Tân

Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm một số chủng loại chính như: mây, song, giang, tre, gỗ, cói, đất, sừng… Nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ trong tỉnh đang thiếu những nguyên liệu này do các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp. 

Bị động trong tìm kiếm nguyên liệu dẫn đến không chủ động được nguồn hàng, các đơn hàng triển khai không đúng tiến độ là thực trạng chung của các cơ sở sản xuất gốm tại làng nghề gốm Quyết Thành (thị trấn Quế, Kim Bảng). Được biết, bình quân mỗi năm, làng nghề sử dụng từ 400-500 m3 đất sét để phục vụ sản xuất, cho ra lò xấp xỉ 70.000 sản phẩm các loại, gồm: chum, vò, vại, ấm, chén, lọ hoa, bình trang trí… 

Do nguồn nguyên liệu tại làng nghề đã cạn kiệt sau nhiều năm khai thác nên thời gian qua, các chủ lò gốm phải tìm về các xã trong huyện để xin đất tại các công trình làm đường giao thông hay các điểm đào hố ruộng để chôn lấp rác thải sinh hoạt.

Ông Lại Văn Liên, chủ cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm cho biết: Kinh doanh ngày càng phát triển, đơn đặt hàng tại cơ sở chúng tôi tăng lên nhanh qua các năm. Hiện, lò gốm của gia đình tôi sử dụng khoảng 150 m3 đất/năm. Việc thiếu nguyên liệu khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng với số lượng hàng lớn vì lo ngại không bảo đảm tiến độ giao hàng. Mặc dù huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu tại các xã: Ngọc Sơn, Đồng Hóa, Thụy Lôi nhưng do nguyên liệu sử dụng của làng nghề tăng cao nên việc hạ cốt đất ruộng để khai thác đất gặp khó. Nhiều hộ dân không đồng ý cho hạ cốt đất ruộng vì cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đất sản xuất.

Cũng như làng nghề gốm Quyết Thành, các làng nghề sản xuất mây giang đan cũng đang “bí” nguồn nguyên liệu đầu vào. Có một số cơ sở phải hoạt động cầm chừng vì phải mua nguyên liệu từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Bắc với giá thành, chi phí vận chuyển cao khiến lãi suất thu về ngày càng giảm, không đáp ứng ngày công lao động. 

Qua trao đổi với lãnh đạo xã Nhật Tân (Kim Bảng) được biết, trên địa bàn xã hiện có trên 200 hộ dân làm nghề mây giang đan. Thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu mặt hàng này khá ổn định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các hộ làm nghề là nguyên liệu khan hiếm, nhất là mây, giang… Chi phí mua nguyên liệu cao trong khi giá bán sản phẩm rẻ nên khó thu hút lao động tham gia làm nghề. Số lao động bỏ nghề đan lát để đi làm các công việc khác như phụ hồ hay làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp ngày càng tăng.

Trong nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ thì mộc thủ công mỹ nghệ là mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Qua tìm hiểu tại các làng nghề mộc được biết, nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước như Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia… thời gian qua không ổn định. Với nguồn gỗ nhập khẩu từ các quốc gia ở một số châu lục khác thì chi phí vận chuyển cao, làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thôn Ngọc Động (xã Hoàng Đông, Duy Tiên) hiện có gần chục công ty, cơ sở lớn chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm mây giang đan và khoảng 300 hộ dân đang tham gia làm nghề mây giang đan truyền thống. Do nguồn nguyên liệu không ổn định nên các cơ sở sản xuất đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất. Đồng thời, sử dụng đa dạng hơn các nguyên liệu thay thế để đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện, ngoài dùng mây, tre, giang để đan lát như trước, các hộ làm nghề còn sử dụng cây song, mây nước, bèo tây… để tạo ra các loại giỏ hoa quả, khay chén, hộp đựng giấy… 

Qua trao đổi với ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam được biết, hiện trên 90% sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường nước ngoài. Trong đó, có tới 70% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để khắc phục khó khăn về thiếu nguyên liệu đầu vào, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, công ty còn liên kết với các làng nghề mây giang đan ở Hà Tây (cũ) để đặt hàng một số thành phẩm; đồng thời sử dụng phối kết hợp những nguyên liệu khác nhau như gỗ, tre công nghiệp, bèo tây… để tạo ra sản phẩm. Điều này vừa giúp tiết kiệm nguyên liệu khan hiếm, vừa tạo ra mẫu mã mới bắt mắt hơn.

Những năm qua, các cơ sở sản xuất gốm Quyết Thành cũng tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, phổ biến nhất là việc sử dụng gạch kết hợp các tấm silic carbire chịu lửa để làm tấm kê, trụ đỡ cho sản phẩm trong lò nung. Ông Lại Văn Liên, chủ cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm cho hay: Trước đây, mỗi khi đốt lò, tôi phải sử dụng các vật dụng như chum, vại để kê làm giá đỡ sản phẩm. Khi đó, mỗi lò đốt phải dùng đến gần 30m3 đất. Việc sử dụng gạch chịu nhiệt và các tấm silic carbire giúp tôi tiết kiệm được 40% khối lượng đất sử dụng. Tuy nhiên, làng nghề vẫn đang rất “bí” nguyên liệu và mong muốn được huyện, tỉnh quy hoạch cho làng nghề một vùng đất ruộng tập trung để bảo đảm nguyên liệu phục vụ phát triển sản xuất ổn định, bền vững.

Nhu cầu sử dụng nguyên liệu tại cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm, tổ dân phố số 7, thị trấn Quế (Kim Bảng) ngày càng tăng do thường xuyên sản xuất số lượng lớn sản phẩm chum, vại có thể tích lớn.

Trước những khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm. Để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giúp tiêu thụ thành phẩm ổn định, có chất lượng, các làng nghề thủ công mỹ nghệ mong muốn các sở, ngành, nhất là Sở Công thương tích cực phối hợp với Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các tỉnh, thành phố có ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển để tạo sự kết nối cung - cầu nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, phát triển thị trường… cho các làng nghề.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh, Thế Tân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.