Những điểm mới trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi

Bắt nguồn từ việc phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình thi hành, ngày 17/6/2020, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Để những quy định của Luật phát huy tác dụng tích cực trong thực tế cuộc sống, Sở NN&PTNT đã chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, địa phương trong quá trình triển khai phổ biến và thi hành luật, qua đó giúp mọi tổ chức, người dân có thể sớm nắm bắt và thực hiện đúng luật. 

Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung được ban hành với nhiều điểm mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: Hiện nay, các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai chỉ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo, huấn luyện, cung cấp trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ. Với tình hình thiên tai ngày càng diễn biến thất thường không theo quy luật như hiện nay đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo bài bản, thường xuyên được cung cấp trang thiết bị phù hợp sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai, có năng lực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức kịp thời việc bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai xuống mức thấp nhất. Luật sửa đổi bổ sung lần này đã bổ sung quy định về lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Theo đó, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã thành lập trên cơ sở lực lượng dân quân và lực lượng của các tổ chức khác ở địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai tại chỗ hằng năm. 

Những điểm mới trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra dụng cụ phòng chống thiên tai tại điếm canh đê sông Đáy trên địa bàn xã Thanh Hải (Thanh Liêm).  Ảnh: Mạnh Hùng

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 109/109 đơn vị lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, bao gồm dân quân tự vệ, hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để thực thi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại chỗ. Việc thành lập lực lượng xung kích này đã bước đầu phát huy được hiệu quả thiết thực tại các địa phương trong thời gian qua.

Ông Trần Khắc Lạp, người dân Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân), thành viên lực lượng xung kích chia sẻ: Chúng tôi là những người dân sinh sống ở ven đê. Sau khi được nghe UBND xã phổ biến những điểm mới, quan trọng của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, chúng tôi đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, nắm vững thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm tổ chức tốt những vấn đề quan trọng, cấp thiết về bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai, ngăn chặn các hành vi phá hoại, như để nguyên vật liệu trên đê, vạt mái đê…

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều năm 2006, đáng chú ý là quy định việc cấp phép cho các hoạt động liên quan đến đê điều, bổ sung quy định về bãi nổi, cù lao và việc xây dựng cải tạo cầu qua sông có đê. Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) là xã nằm ven sông Hồng với hơn 2,1 km đê Hữu Hồng, nơi có hệ thống kè mỏ, kè lát mái Như Trác và nhiều hạng mục công trình thủy lợi. Xác định là địa bàn trọng điểm về phòng chống thiên tai, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ đê điều, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong quản lý đê điều ngay từ khi phát sinh. Luật sửa đổi, bổ sung được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý thuận lợi để địa phương siết chặt công tác quản lý và bảo vệ đê điều, chủ động sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra. 

Ông Nguyễn Tiên Phong, Phó Chủ tịch UBND Xã Trần Hưng Đạo cho biết: Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương thường xuyên kiểm tra, tổng kết công tác phòng, chống lụt bão; kiện toàn các ban phòng, chống thiên tai, tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều.

Đối với nguồn tài chính trong phòng, chống thiên tai, tại khoản 5 điều 1, bổ sung nguồn tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai có quy định bao gồm các “nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, nguồn tài chính dành cho hoạt động phòng, chống thiên tai được sử dụng từ một số nguồn, như: nguồn vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để xây dựng cải tạo, điều hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Vì vậy, việc bổ sung “nguồn khác” theo quy định của pháp luật và quy định của điều 8 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 là cần thiết, bao quát tất cả các nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Năm 2021 và những năm tiếp theo dự báo tình hình thiên tai sẽ có diễn biến khó lường, các ngành, địa phương cần chủ động mọi nguồn lực, có cơ chế chính sách phù hợp để chủ động phòng tránh và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra. 

Để các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung sớm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các cấp, ngành có liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến về những nội dung mới của luật tới mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, giúp cán bộ, nhân dân có cơ sở và thuận lợi khi tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các nghị định, quy định, thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành trong toàn tỉnh lồng ghép vào kế hoạch công tác, trong đó tập trung vào một số nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới cộng đồng, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như tình hình thực tế của địa phương, đơn vị thông qua việc xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết. 

Ông Nguyễn Minh Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết: Để Luật sửa đổi, bổ sung sớm đi vào cuộc sống, ngay khi mới ban hành, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Báo Hà Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân. Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức thêm nhiều buổi tuyên truyền và lớp tập huấn, giúp cán bộ, nhân dân các địa phương kịp thời nắm bắt và triển khai thực thi luật vào thực tế địa phương.

Trên cơ sở khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và Luật Đê điều năm 2006, hy vọng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chỉ đạo,quản lý của Nhà nước, huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai.

Nguyễn Khánh 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.