Nhu cầu mua sắm tăng, CPI tháng Tết tăng 0,52%

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), ngày 29/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng do giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Nhu cầu mua sắm tăng CPI tháng Tết tăng 052
Nhu cầu mua sắm hàng hóa cho những ngày Tết tăng mạnh tại các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ.

Theo đó, CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1/2023 tăng 4,89%. So với tháng trước, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng (bưu chính viễn thông) giữ giá ổn định.

Cụ thể: Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,39% (làm CPI chung tăng 0,13%). Tháng 1/2023, giá xăng tăng 2,31%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 1,66%; thuốc hút tăng 0,71%; đồ uống không cồn tăng 0,49%.

So với tháng trước, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%...Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; nhóm giáo dục giảm 0,15%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%.

Trong khi đó, do nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán, chỉ số giá vàng tháng 1/2023 tăng 0,51% so với tháng trước; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Còn giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do ở quanh mức 23.690 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2023 giảm 2,05% so với tháng trước; tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Diễn biến CPI tháng 1 của 5 năm trở lại đây, nhóm giáo dục tháng 1/2023 tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước với 11,6%, chủ yếu do trong năm học 2021 - 2022 nhiều địa phương đã miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Trong khi đó, năm học 2022 - 2023, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.

Ngoài nhóm giáo dục, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng cao do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng chủ yếu do dịch COVID-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 7%; giá lương thực tăng 3,74% và thực phẩm tăng 6,11%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch so với cùng kỳ năm trước cũng tăng 5,3% do dịch COVID-19 được kiểm soát, giá tour, khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước tăng.

Nhu cầu mua sắm tăng CPI tháng Tết tăng 052
Dịp Tết này, giá rau củ quả tương đối ổn định. 

“Sự phục hồi trở lại của các hoạt động tiêu dùng, dịch vụ, du lịch đã đẩy CPI tháng 1/2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều đã được cảnh báo trước, sẽ gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023. Và đó cũng là lý do vì sao trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu kiểm soát được đặt ra ở mức 4,5%, thay vì dưới 4% như một số năm trước đây”, báo cáo Tổng cục Thống kê nêu.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê lý giải, việc lạm phát cơ bản tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%) chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung, do giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.