Doanh nghiệp làng nghề Hà Nam nỗ lực vượt khó

Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch Covid -19, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nam rơi vào tình cảnh “lao đao” khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không tiêu thụ được hàng hóa, phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Không phải là doanh thu, áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp làng nghề là làm sao có hợp đồng để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Đây cũng chính là lời giải cho “bài toán”: làm sao để “giữ chân” người lao động gắn bó với nghề để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Trái với không khí tấp nập xe ra vào lấy hàng, rộn rã tiếng nói cười, trò chuyện của các bà, các chị tập trung ngồi đan mây tre trong ngõ xóm, về làng nghề mây tre đan Ngọc Động, tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên) vào những ngày này có thể cảm nhận rõ sự trầm lắng, đìu hiu. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã khiến cho sức mua tại nhiều thị trường bị giảm sút. Hàng hóa xuất khẩu tồn kho nhiều.

 Đó cũng chính là lý do khiến các doanh nghiệp làng nghề mây tre đan Ngọc Động phải tìm cách xoay xở để duy trì hoạt động. Có những mã hàng chỉ hòa vốn, thậm chí là phải bù lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn ký kết hợp đồng nhằm tạo việc làm và “giữ chân” người lao động ở lại với nghề.

Doanh nghiệp làng nghề Hà Nam nỗ lực vượt khó
Mỗi tháng, doanh nghiệp tư nhân Thanh Hằng, tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên xuất bán khoảng 15.000 sản phẩm mây tre các loại

Cũng như các doanh nghiệp khác tại làng nghề mây tre đan Ngọc Động, doanh nghiệp tư nhân Thanh Hằng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh khi chi phí vận chuyển, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường truyền thống là Hàn Quốc thì gần như bị “đóng băng”. Với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, anh Nguyễn Văn Nghị - chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Hằng đã dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng từng thị trường và nhận thấy rằng, người tiêu dùng Australia rất ưa chuộng các sản phẩm làm từ nguyên liệu mây để sử dụng hằng ngày như: hộp mây xiên, tấm lót ly, ống đựng giấy, tấm trải bàn, thùng chứa đồ giặt…

Theo đó, anh Nghị đã tìm hướng tiếp cận thị trường này và đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong hơn một năm qua, gần như 100% sản phẩm của doanh nghiệp Thanh Hằng được tiêu thụ tại thị trường Australia với số lượng đơn hàng khá ổn định. Anh Nguyễn Văn Nghị cho biết: Với hướng đi phù hợp, trong thời gian gần đây, mỗi tháng, cơ sở của tôi xuất bán khoảng 15.000 sản phẩm các loại. Cái được lớn nhất của Thanh Hằng là bảo đảm được đời sống cho người lao động trong tình hình khó khăn của dịch bệnh. Có việc làm, người lao động yên tâm gắn bó với nghề là điều quan trọng nhất giúp cho Thanh Hằng phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố Ngọc Động được biết, tổ dân phố Ngọc Động hiện có gần chục công ty, cơ sở lớn chuyên sản xuất, thu mua sản phẩm mây tre đan và khoảng 300 hộ dân đang tham gia làm nghề theo yêu cầu về mẫu hàng của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua sản phẩm. Trong nửa đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, sản phẩm không tiêu thụ được khiến lượng hàng hóa trong làng nghề giảm sút trên 70%. Một số doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp làng nghề đã rất năng động, khai thác hiệu quả những sản phẩm thế mạnh để quảng bá, đáp ứng nhu cầu của thị trường mới. Nhờ vậy, nhiều lao động làng nghề vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.

Công ty cổ phần Chiến Hương là một trong những doanh nghiệp sản xuất, thu mua bánh đa nem lớn nhất tại làng nghề bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng bánh tiêu thụ tại một số tỉnh, thành trong nước bị hạn chế nên Công ty cổ phần Chiến Hương đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga, Đức, Nhật Bản… với sản lượng trên 30 tấn bánh mỗi tháng.

Để đứng vững trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chiến Hương hiểu rõ, điều quan trọng nhất là phải làm sao tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề. Theo đó, anh Trần Đức Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Chiến Hương đã tự mày mò, sáng chế ra dây chuyền sản xuất mới phục vụ sản xuất bánh đa nem. Chính thức đưa vào hoạt động hơn 4 tháng nay, dây chuyền mới này đã khẳng định rõ hiệu quả khi cho năng suất cao hơn 2 lần so với phương pháp sản xuất truyền thống. Thành quả này là động lực thôi thúc ông chủ trẻ của Chiến Hương không ngừng nghiên cứu, học hỏi, chuẩn bị đưa vào ứng dụng dây chuyền sản xuất mới tiếp theo.

Anh Trần Đức Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Chiến Hương khẳng định: Bánh đa nem làng Chều có giá bán cao hơn so với bánh đa nem ở các tỉnh miền Nam vì bánh làng Chều được làm hoàn toàn bằng bột gạo trong khi nguyên liệu của bánh đa nem ở miền Nam lại có sự pha trộn giữa bột gạo và bột mì. Vì vậy, dù giá bán cao hơn nhưng bánh đa nem làng Chều vẫn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, muốn có chỗ đứng vững chắc hơn nữa tại các thị trường khó tính, bánh đa nem làng Chều vẫn cần hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đó là lý do tôi dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, sáng chế ra các dây chuyền sản xuất mới.

Trên địa bàn tỉnh có 112 làng nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề chính như: chế biến, bảo quản nông, lâm sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Tại các làng nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề có trên 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 97 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí…

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch Covid-19 khiến doanh thu, sản lượng tiêu thụ của hầu hết các doanh nghiệp làng nghề giảm sút mạnh trong năm 2020. Năm 2021, mặc dù nhiều doanh nghiệp làng nghề vẫn không đạt mục tiêu doanh thu đề ra nhưng nhìn chung các doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể so với năm 2020. Các doanh nghiệp đã và đang có đóng góp quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.

Thực tế hoạt động cho thấy, áp lực của các doanh nghiệp trong làng nghề mây tre đan Ngọc Động hay làng nghề sản xuất bánh đa nem làng Chều cũng chính là thách thức chung đối với tất cả các doanh nghiệp làng nghề khác trong tỉnh hiện nay. Để tồn tại, phát triển trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp làng nghề cần có bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, yếu tố đầu tiên là nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc, công nghệ để tăng năng suất, giảm chi phí nhân công, ổn định việc làm cho người lao động.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.