Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án

Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu giải phóng mặt bằng khoảng 6.723 ha phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành được mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng; rà soát sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư (khi Nhà nước thu hồi đất) đầy đủ, kịp thời sát với thực tế địa phương và đúng với quy định của pháp luật, để làm cơ sở thống nhất trên toàn tỉnh.

Theo tổng hợp của các huyện, thị xã và thành phố Phủ Lý, trong giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng 561 dự án với diện tích hơn 1.451 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 822 ha, đất ở gần 17 ha, đất chưa sử dụng hơn 276 ha.

Qua đánh giá của các địa phương cho thấy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng yêu cầu về thời gian, diện tích, góp phần quan trọng thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đối với những hộ có đất nằm trong các dự án đã được hưởng cơ chế, chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định, phù hợp với từng giai đoạn. 

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án
Cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Duy Tiên rà soát hồ sơ thu hồi đất Dự án Cụm cảng Yên Lệnh.

Cụ thể, trong 5 năm qua toàn tỉnh đã bố trí đất ở cho 1.089 hộ bị thu hồi đất ở theo đúng quy định với diện tích hơn 10 ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở trong vùng thu hồi đất. Cơ chế, chính sách  bồi thường, giải phóng mặt bằng đã bảo đảm quyền lợi hợp pháp và ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, một số dự án còn rất chậm, kéo dài nhiều năm dẫn tới phải áp cơ chế, chính sách bồi thường khác nhau làm phát sinh chi phí, lãng phí nguồn lực đất đai. Tại một số dự án, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn chưa thực hiện nghiêm, thiếu trình tự theo quy định; phương án bồi thường phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, tạo tâm lý không tốt cho người bị thu hồi đất; kinh phí bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn kéo dài, chưa dứt điểm. 

Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có xã phường, thị trấn coi công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ của chủ đầu tư, trung tâm quỹ đất nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc phát sinh. Hơn nữa, chính sách, pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi, trong đó quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đặc biệt là việc xác định giá đất để bồi thường, chính sách hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp) liên tục có nhiều thay đổi qua các năm gần đây theo hướng ngày càng có lợi hơn cho người dân nên có sự so bì giữa người bị thu hồi đất. 

Ông Trần Nho Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Duy Tiên cho biết: Trong quá trình triển khai thực tế giải phóng mặt bằng ở địa phương cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết. Đơn cử như đất nông nghiệp giao ổn định cho chủ hộ từ năm 1993 đến nay, song đến thời điểm này có khoảng 35 – 40% chủ hộ đã chết, chưa làm thủ tục thừa kế. Nếu thu hồi những thửa đất này, việc hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đấy là chưa kể một số thành viên trong gia đình (thuộc diện được thừa kế) không phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết.

Trong thu hồi giải phóng mặt bằng, nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật đất đai, về bồi thường giải phóng mặt bằng còn hạn chế nên hay kiến nghị, khiếu nại, chậm trễ bàn giao mặt bằng. Hồ sơ địa chính qua các thời kỳ ở một số địa phương chưa đầy đủ, thiếu sót, bất cập giữa hồ sơ quản lý và thực tế sử dụng đất. Đơn giá bồi thường cùng một loại đất, song ở thành phố Hà Nội trả một giá, tỉnh ta trả một giá nên rất khó khăn khi thu hồi đất ở vùng giáp ranh. 

Cũng như thị xã Duy Tiên, trong quá trình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, các huyện và thành phố Phủ Lý cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu giải phóng mặt bằng khoảng 6.723 ha phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Để hoàn thành được mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng; rà soát để sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (khi Nhà nước thu hồi đất) đầy đủ, kịp thời sát với thực tế địa phương, đúng quy định của pháp luật, làm cơ sở để thống nhất trên toàn tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất bị thu hồi, nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho người bị thu hồi đất; chủ động bố trí quỹ đất tái định cư, đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư đồng bộ, phù hợp phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của người dân; thực hiện tốt công tác trao đổi trả lời những thắc mắc của các hộ dân trước và trong quá trình triển khai thu hồi mặt bằng…

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy