Còn nhiều kênh loại 3 chưa được xây dựng kiên cố

HTXDVNN Thanh Sơn (Kim Bảng) có 6 km kênh chính loại 3 tưới, tiêu cho hơn 150 ha đất sản xuất trên địa bàn, trong đó có 2 km kênh phục vụ những vùng trọng điểm sản xuất 3 vụ trong năm đã được kiên cố hóa (KCH) từ năm 2010 trở về trước.

Kênh loại 3 tại HTX Thanh Sơn (Kim Bảng) được kiên cố hóa phục vụ sản xuất.

Được biết, để đầu tư kiên cố 2 km kênh trục chính, HTXDVNN Thanh Sơn đã phải tiết kiệm từ nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn thu được qua dịch vụ bốc xếp tại Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn. Thời gian gần đây, do thiếu nguồn kinh phí KCH kênh mương, HTXDVNN Thanh Sơn đã chọn giải pháp đơn giản hơn, xây kè bờ kênh chống sạt lở với chiều dài 500 m.

Theo ông Vũ Quang Hiển, Giám đốc HTXDVNN Thanh Sơn, trong phương hướng hoạt động HTX đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đầu tư KCH kênh mương. Tuy nhiên, khả năng thực hiện rất khó vì cần nguồn vốn lớn. Trước mắt HTX sẽ thực hiện việc kè chống sạt lở bờ kênh đáp ứng năng lực tưới, tiêu của công trình.

HTXDVNN La Sơn (Bình Lục) thường xuyên gặp khó khăn về tưới, tiêu do toàn bộ diện tích sản xuất đều nằm trong vùng trũng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, HTX đầu tư KCH được gần 3,5 km kênh tưới chính giúp nâng cao năng lực của hệ thống thủy lợi, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất trên đồng ruộng.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp tại La Sơn có sự thay đổi căn bản, nhất là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống ở 2 vụ lúa. Cụ thể, từ chỗ đồng trũng chỉ cấy mạ dược trước đây, hiện nay người dân La Sơn đã áp dụng phương pháp lúa gieo thẳng trong cả 2 vụ (riêng vụ mùa đã có hơn 100 ha lúa gieo thẳng). Đặc biệt, KCH kênh mương giúp xã mở rộng diện tích cây vụ đông, trong đó có các loại cây hàng hóa giá trị kinh tế cao, như: dưa chuột, bí xanh…

Mặc dù vậy, số lượng kênh kiên cố của HTX La Sơn vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với toàn bộ hệ thống thủy lợi trên địa bàn lên. Kênh đất nhiều dẫn đến tình trạng sạt lở vẫn còn, mỗi năm HTX đã phải đầu tư nạo vét từ 15 – 20 nghìn m3 đất thủy lợi nội đồng mới bảo đảm việc phục vụ tưới, tiêu.

Ông Đinh Văn Chữ, Phó Giám đốc HTXDVNN La Sơn cho biết: Nguồn kinh phí đầu tư cho KCH kênh mương rất lớn so với nguồn thu của HTX hằng năm nên không thể triển khai đồng loạt. Ngay với số kênh đã được làm, HTX cũng phải huy động và xin hỗ trợ từ nhiều nguồn. Do vậy, việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống kênh mương nằm ngoài khả năng đầu tư của HTX.

Việc KCH kênh mương, nhất là kênh loại 3 được các xã, HTXDVNN triển khai từ trước năm 2000. Đặc biệt, năm 2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 165/QĐ-UBND về quy định tạm thời và hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Theo đó, KCH kênh mương được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của tỉnh được thực hiện tập trung trong giai đoạn từ năm 2001 – 2006. Do vậy, nhiều tuyến kênh đã được xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Hiện toàn tỉnh có hơn 400 km kênh mương được KCH bằng nhiều nguồn. Trong đó, từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 165 chiếm 60%.

Tuy nhiên, tỷ lệ KCH kênh mương mới đạt 14% so với tổng số kênh loại 3 hiện có của các địa phương. Hiện nay, để làm 1 km kênh kiên cố cần khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, đa phần các HTXDVNN được giao quản lý, vận hành kênh đều không có kinh phí. Riêng nguồn thủy lợi phí cấp bù hằng năm chỉ đủ phục vụ tưới, tiêu, sửa chữa các công trình… Nếu tiết kiệm được kinh phí, mỗi lần các HTX cũng chỉ thực hiện KCH được dưới 1 km, chủ yếu tập trung cho các kênh đầu mối trạm bơm.

KCH kênh mương đã đem lại hiệu quả rất lớn trong tưới, tiêu phục vụ sản xuất so với kênh đất trước đây, như: tiết kiệm nước, thời gian bơm tưới được rút ngắn, các HTX hằng năm ít phải đầu tư kinh phí để nạo vét kênh mương do bờ sạt lở, bồi lắng...

Theo ông Trần Sỹ Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT), việc KCH kênh loại 3 của các HTX chưa đáp ứng được nhu cầu do thiếu nguồn vốn đầu tư. Hằng năm, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu với Sở NN & PTNT, UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn hỗ trợ đất lúa, nguồn chống hạn khẩn cấp… để hỗ trợ các địa phương thực hiện KCH kênh mương. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ làm được khoảng hơn 10 km, chia cho nhiều địa phương. Do vậy, để phát huy được hiệu quả KCH kênh mương, các địa phương cần xem xét, rà soát để đầu tư cho các tuyến kênh chính, quan trọng phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy