Chủ động xử lý lúa cỏ vụ xuân

Những vụ gần đây, lúa cỏ phát sinh, phát triển, gây hại mạnh trên đồng ruộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tại những diện tích lúa gieo thẳng, tỷ lệ nhiễm lúa cỏ rất cao, có nơi lên đến trên 40%. Năm 2022 có gần 340 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ, trong đó 36 ha bị nhiễm nặng ảnh hưởng đến năng suất. Bước vào sản xuất vụ xuân 2023, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp xử lý, không để lúa cỏ phát sinh, gây hại trên lúa.

Tại HTXDVNN Bắc Sơn, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm) nơi đầu tiên xuất hiện lúa cỏ trên địa bàn tỉnh, đã có thời điểm hàng chục ha lúa bị nhiễm lúa cỏ. Nhiều ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng, người dân phải cắt bỏ lúa. Chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa xuân 2023, Hội đồng Quản trị HTXDVNN Bắc Sơn đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp xử lý lúa cỏ. Ông Đoàn Ngọc Thành, Giám đốc HTXDVNN Bắc Sơn cho biết: Trải qua các vụ sản xuất, HTX đã triển khai và thu được hiệu quả tích cực trong việc diệt trừ lúa cỏ. Biện pháp tốt nhất là áp dụng phương pháp cấy lúa thay cho gieo thẳng, giữ nước thường xuyên trên ruộng ngăn lúa cỏ nảy mầm, phát triển…

Để mở rộng diện tích lúa cấy, HTXDVNN Bắc Sơn đã áp dụng chủ yếu phương pháp cấy lúa bằng máy. Theo đó, HTX đã liên hệ ký hợp đồng với các tổ dịch vụ, HTX chuyên dịch vụ mạ khay, cấy máy trên địa bàn về giá, thời gian, chủng loại giống theo cơ cấu. Vụ lúa xuân 2023, HTXDVNN Bắc Sơn xây dựng kế hoạch cấy lúa bằng máy khoảng 90% trong tổng số gần 230 ha đất lúa. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ có ruộng nằm ngoài vùng chủ động lao động cấy lúa theo phương pháp thủ công.

Trong kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân 2023 huyện Thanh Liêm đặc biệt quan tâm đến những biện pháp xử lý lúa cỏ. UBND huyện chỉ đạo các địa phương có những vùng bị nhiễm lúa cỏ nặng chủ động chuyển đổi phương pháp canh tác từ gieo thẳng sang cấy lúa bằng máy hoặc cấy thủ công. Riêng lúa cấy bằng máy, trong vụ xuân 2023, toàn huyện phấn đấu thực hiện hơn 2.000 ha, chiếm 40% tổng diện tích. Toàn huyện đã xây dựng được 10 tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trên địa bàn. Các HTXDVNN nâng cao năng lực phục vụ, nhất là dịch vụ thủy nông bảo đảm điều tiết nước tốt trên các cánh đồng lúa cấy, ngăn ngừa lúa cỏ phát sinh…

Chủ động xử lý lúa cỏ vụ xuân
Cày ải đất phục vụ gieo cấy vụ xuân 2023 tại xã An Nội (Bình Lục).

Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm, những năm gần đây, biện pháp cấy lúa bằng máy đã được người dân trong huyện áp dụng đem lại hiệu quả trong diệt trừ lúa cỏ và nâng cao năng suất lúa. Chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân 2023 phòng tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy.

Qua tìm hiểu được biết, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và triển khai biện pháp diệt trừ lúa cỏ trong vụ lúa xuân 2023. Huyện Lý Nhân, nơi lúa cỏ phát sinh và gây hại khá rộng trên diện tích lúa trong những vụ vừa qua đã chủ động triển khai những biện pháp ngăn ngừa. UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuân thủ chặt chẽ việc chuyển đổi những vùng lúa được gieo thẳng bị nhiễm lúa cỏ sang lúa cấy; mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy tại những địa phương nhiễm lúa cỏ nhiều; cày ải toàn bộ diện tích đất cấy không trồng cây vụ đông…

Như tại xã Đạo Lý một trong những nơi nhiễm lúa cỏ nhiều đã thành lập được tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy và dự kiến chuyển đổi phương thức từ gieo thẳng sang lúa cấy (gồm cả cấy máy và cấy thủ công) khoảng 80% diện tích. Ông Trương Đăng Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạo Lý cho biết: Phương pháp lúa gieo thẳng hiện nay đang gặp rất nhiều hạn chế, nhất là tình trạng lúa cỏ phát sinh gây hại. Địa phương đang tập trung chỉ đạo và tuyên truyền để người dân thay đổi phương thức gieo cấy lúa. Đồng thời HTX tổ chức tốt các khâu dịch vụ từ làm đất, thủy nông, đến dịch vụ mạ khay, cấy máy để xử lý triệt để lúa cỏ…

Về phía ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra các biện pháp xử lý triệt để tình trạng lúa cỏ. Theo đó, những diện tích bị nhiễm lúa cỏ nhiều trong những vụ trước chuyển đổi từ gieo thẳng sang lúa cấy; sử dụng giống tốt, có nguồn gốc, không để giống trên những ruộng bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước sang cấy vụ sau; thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, nhất là thực hiện cày ải cho toàn bộ diện tích đất lúa không trồng cây vụ đông.

Trao đổi về việc diệt trừ lúa cỏ, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lúa cỏ đang là đối tượng dịch hại cần quan tâm, xử lý triệt để. Trong quá trình sản xuất, các địa phương phải tuân thủ chặt chẽ những biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn. Chi cục sẽ tăng cường hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là xử lý khi lúa cỏ xuất hiện gây hại trên đồng ruộng…

Hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị sản xuất vụ lúa xuân 2023. Việc các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp kỹ thuật sản xuất sẽ giúp ngăn ngừa và xử lý hiệu quả lúa cỏ, góp phần bảo đảm vụ sản xuất thắng lợi.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.