Bảo đảm vận tải hành khách dịp cuối năm an toàn, hiệu quả

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho hành khách và duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mục tiêu của các doanh nghiệp là sớm khôi phục lại dịch vụ vận tải hành khách và tăng dần tần suất các chuyến, bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 

Bảo đảm vận tải hành khách dịp cuối năm an toàn hiệu quả
Tuyến xe buýt 206 (Phủ Lý – Hà Nội) hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Nếu so với tháng 10 – 11, trong thời gian này dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã từng bước ổn định trở lại. Nhiều nhà xe đã tăng dần số lượng chuyến, mở rộng đối lưu với các tỉnh, thành phố phía Nam.

Để bảo đảm an toàn cho hành khách và duy trì hoạt động dịch vụ vận tải hiệu quả, các nhà xe thường xuyên: phun thuốc khử trùng, niêm yết, quản lý mã QRcode để phục vụ công tác kiểm soát dịch; quán triệt cho lái, phụ xe và nhà xe các biện pháp phòng chống dịch; lập danh sách hành khách đi xe (có phụ lục kèm theo); giao lái xe, nhân viên phục vụ hướng dẫn hành khách đi xe tự kê khai, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để quản lý; theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong thời điểm hoạt động bình thường mới, dịch vụ vận tải hành khách vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với tuyến xe buýt 206, do Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam quản lý kinh doanh chạy tuyến Phủ Lý – Hà Nội và ngược lại, trước đây một ngày có 40 lượt đi lại, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 20 lượt, lái và phụ xe cũng phải giảm ca làm việc. Tuyến xe buýt số hiệu 214 xuất phát từ Bến xe trung tâm Hà Nam đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) và ngược lại, với tổng chiều dài 73 km, chạy tần suất từ 30 phút – 60 phút/1 lượt, bình quân mỗi chuyến cũng chỉ có vài khách (giảm 50% số lượt so với trước đây).

Ông Bùi Tiến Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam cho biết: Hai tuyến xe buýt của doanh nghiệp hoạt động vẫn đang trong tình trạng thua lỗ do số lượng hành khách đi lại rất ít. Trước đây chưa có dịch, bình quân mỗi chuyến có từ 20 – 25 khách, nhưng hiện nay chỉ có 10 khách. Nếu hạch toán, trừ chi phí nhiên liệu, xăng dầu, lương của lái, phụ xe (chưa tính khấu hao phương tiện), doanh nghiệp đã bị lỗ nặng, song vẫn phải duy trì hoạt động, phục vụ hành khách đi lại.

Tại Bến xe khách Vĩnh Trụ (Lý Nhân), để duy trì hoạt động vận tải hành khách an toàn, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả.

Cụ thể, Bến xe Vĩnh Trụ đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách đi các tỉnh và ngược lại, gồm: Vận tải hành khách từ bến xe đến địa bàn có dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 và ngược lại, hoạt động với tần suất bình thường; vận tải hành khách từ bến xe đến địa bàn ở cấp độ 3 và ngược lại, hoạt động trở lại 1 số tuyến với tần suất hạn chế (không quá 50% số chuyến đã đăng ký) theo thông báo của Sở Giao thông vận tải; vận tải hành khách từ bến xe đến địa bàn dịch ở cấp độ 4 và ngược lại, tiếp tục dừng hoạt động, trừ trường hợp đặc biệt được UBND tỉnh cho phép.

Trong quá trình hoạt động, khu vực bán vé, phòng chờ nơi hành khách lên, xuống phương tiện tại bến phải bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Bến xe cũng yêu cầu các nhà xe: bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên phù hợp với từng loại hình phương tiện giao thông công cộng; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hằng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện; khi lái xe, phụ xe nếu có một trong các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở phải theo dõi sức khoẻ và thông báo ngay cho đơn vị vận tải, cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý phòng, chống dịch theo quy định.

Theo tổng hợp của Sở Giao thông vận tải Hà Nam, hiện nay trong tỉnh có các đơn vị: HTX Vận tải hành khách Lý Nhân, HTX Vận tải hành khách Đồng Tâm, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam… đang kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, trong đó riêng Công ty cổ phần Vận tải hành khách Hà Nam mở rộng kinh doanh dịch vụ xe buýt. Ngoài ra, tại tỉnh Hà Nam cũng có một số doanh nghiệp dịch vụ vận tải hoạt động đối lưu. Khi các phương tiện vận tải hành khách được hoạt động trở lại, Sở Giao thông vận tải đã hướng dẫn các nhà xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách: chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo các nhà xe thường xuyên phun thuốc khử trùng xe, bố trí dung dịch sát trùng trên xe, hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang, không chở quá số người quy định; thực hiện nghiêm các quy định về vận tải hành khách trong điều kiện mới. Đồng thời, các đơn vị cũng chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ hành khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm an toàn cho hành khách và duy trì các phương tiện hoạt động hiệu quả.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.