Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, góp phần bảo đảm ATGT đường thủy, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện tại lực lượng CSGT đang trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và bảo đảm TTATGT hai tuyến sông chính (sông Hồng, sông Đáy) với tổng chiều dài gần 100km, chạy qua địa bàn 31 xã, phường, thị trấn (thuộc 4 huyện, 1 thị xã). Trên hai tuyến sông này, hiện có 5 bến đò ngang, trên 100 điểm tập kết, bốc xếp hàng hóa, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông.

Thời gian qua, tình hình TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những hành vi vi phạm liên quan đến chứng chỉ, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; một số phương tiện đường thủy còn thiếu trang thiết bị và dụng cụ an toàn. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đê ven sông. Đặc biệt trên tuyến sông Hồng, sông Đáy còn nhiều đoạn cong, cua, luồng hẹp và một số điểm khan cạn, luôn có sự thay đổi về luồng lạch trong mùa mưa bão…, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xảy ra TNGT.

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của chủ phương tiện giao thông đường thủy. Ảnh: Quang Huy

Trước thực trạng trên, lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh đã thường xuyên, tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” sâu rộng, sáng tạo. Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, lực lượng CSGT đường thủy nội địa cùng với các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức biên soạn tài liệu, văn bản, in ấn và cấp phát trên 5 nghìn tờ rơi, tuyên truyền cho gần 2 nghìn lượt chủ bến, chủ phương tiện và người điều khiển giao thông đường thủy; tổ chức cho trên 3 nghìn hộ gia đình và người dân mưu sinh trên các tuyến sông ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT đường thủy nội địa; tổ chức cho 128 chủ bến cảng, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết chở hàng đúng tải trọng; 5 chủ bến đò ngang thực hiện đúng các quy định khi vận chuyển hành khách qua sông. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng và nhân rộng một số mô hình tự quản về TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Cảng, bến an toàn giao thông đường thủy nội địa” (tại xã Thanh Tân); mô hình “Bến đò kiểu mẫu” (tại xã Thanh Hải); mô hình “Tuyến sông kiểu mẫu” (tại xã Thanh Thủy) Thanh Liêm… Thông qua các mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người hoạt động trên sông nước, góp phần bảo đảm TTATGT, phòng ngừa, hạn chế tai nạn xảy ra.

Cùng với đó, lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh còn tập trung phương tiện, nhân lực xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT đường thủy. Theo đó, chú trọng phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến sông; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về vật tư, phương tiện phòng tránh bão, lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, động viên người dân tích cực, tự giác tham gia đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động của các bến đò ngang và các phương tiện kinh doanh vận tải trên sông.

Lực lượng CSGT đường thủy nội địa tăng cường công tác TTKS, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về TTATGT đường thủy nội địa, trong đó chú trọng xử lý một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa không bảo đảm an toàn, vi phạm nhiều lần. Kết quả, năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh Hà Nam đã kiểm tra, xử lý 207 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 600 triệu đồng; phối hợp liên ngành bắt giữ 14 phương tiện tàu hút cát, vi phạm quy định về khai thác cát trái phép, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý, giải quyết theo thẩm quyền. Với sự kiên trì nỗ lực của lực lượng chức năng, những năm gần đây, tình hình TTATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không để xảy ra TNGT.

Bên cạnh kết quả tích cực trên đây, tình trạng vi phạm trên các tuyến vẫn còn diễn ra, một số phương tiện còn lén lút chở quá khổ, quá tải, chưa thực hiện tốt công tác đăng kiểm thường xuyên; số lái thuyền có bằng lái, hoặc chứng chỉ còn hạn chế; tại một số bến đò ngang phương tiện vận tải hành khách chưa bảo đảm, hành khách qua đò chưa mặc áo phao theo quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh) cho biết: Từ nhận định chính xác tình hình thực tế, thời gian tới để bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần, cùng với nỗ lực thực thi các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành, Đội CSGT đường thủy đã và đang tích cực tuyên truyền khuyến cáo người dân về ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; khuyến cáo các chủ phương tiện khi tham gia hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm. Các chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và người tham gia giao thông tuyệt đối không được chở quá vạch mớn nước an toàn, quá số người cho phép; phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với từng loại phương tiện, mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy để bảo đảm an toàn, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Trần Ích  

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.