“Tiếp sức” để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

Trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao, vẫn có một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh do tác động của dịch bệnh.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt xấp xỉ 4.000 USD, giảm trên 90% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất do bị tác động bởi dịch bệnh Covid – 19. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh liên tục kéo dài đã tác động lên thị trường hàng hóa toàn thế giới, thói quen tiêu dùng và sức tiêu thụ của người dân các nước. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến mặt hàng thủy sản trong tỉnh bị giảm lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, cũng như không mở rộng tiêu thụ được sang các thị trường mới. 

“Tiếp sức” để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Hội Vũ, Cụm công nghiệp Cầu Giát, thị xã Duy Tiên. Ảnh: Trương Dũng

Đơn cử như Công ty TNHH Thực phẩm Nhân Hậu (thành phố Phủ Lý), mặc dù trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng cá kho tiêu thụ ra thị trường trong nước của công ty vẫn cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng công ty lại không đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021.

Bà Phạm Thị Ánh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Nhân Hậu cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn và không đạt mục tiêu đề ra. Những tháng đầu năm 2021, công ty tiếp tục không đạt mục tiêu xuất khẩu cá sang thị trường Ma-lai-xi-a do gặp khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa. Các đối tác ở Ma-lai-xi-a đã ngừng nhập khẩu cá kho. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá với việc áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, đồng thời sản xuất thêm các kích cỡ nhỏ với giá cả phải chăng để kích cầu tiêu dùng trong nước. 

Cũng như mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu đối với mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại trong 5 tháng đầu năm 2021 cũng giảm mạnh với mức giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2020, như Công ty TNHH Kangyin Electronic Technology, KCN Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) là một ví dụ. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng: camera điện thoại, dây sạc điện thoại… để xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, từ nửa cuối năm 2020 đến nay, Kangyin Electronic Technology liên tục không đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra do gặp khó khăn cả về thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Vì việc nhập nguyên liệu bị gián đoạn và mất nhiều thời gian nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp khiến sản lượng hàng hóa xuất khẩu của công ty trong năm 2020 giảm trên 40% so với năm 2019 và trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đương đầu với nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nhập máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng trong khi các đơn hàng xuất khẩu lại bị ép giá khiến giá thành sản phẩm bị giảm đáng kể… Theo thống kê của Chi cục Hải quan Hà Nam, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mạnh như: thủy sản, túi xách, ví, vali, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, dây điện, dây cáp điện, điện thoại, linh kiện điện thoại… với mức giảm từ 8% đến trên 90% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng cục Hải quan, thời gian này Chi cục Hải quan Hà Nam vẫn đang tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, Chi cục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan; chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình làm thủ tục hải quan trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật; nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu hoặc có các biểu hiện tiêu cực, hạch sách, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải nộp, xuất trình các chứng từ, nộp các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật, làm chậm quá trình thông quan hàng hóa, gây thiệt hại hoặc làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế.

Cùng với đó, cử cán bộ trực tất cả các giờ trong ngày để phục vụ hoạt động làm thủ tục xuất, nhập khẩu bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp…

Đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, khó lường và vẫn còn những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất bị tác động tiêu cực do dịch bệnh. Vì vậy, việc “tiếp sức” cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng xuất khẩu bị giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 là giải pháp cần thiết để bảo đảm các mục tiêu về xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.