Giá thức ăn tăng cao - Người chăn nuôi lợn gặp khó

Trang trại của bác Trần Huy Trường, thôn 1, Đồng Thủy, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) nuôi hơn 1.000 con lợn. Mỗi ngày bác Trường sử dụng 2 tấn thức ăn, tương đương 80 bao cám (loại 25kg/bao). Giá thức ăn đã tăng từ hơn 260 nghìn đồng/bao (đầu năm 2020) lên 304 nghìn đồng/bao (hiện nay). Như vậy, mỗi ngày bác Trường phải chi phí thêm tiền thức ăn cho đàn lợn lên đến 3,2 triệu đồng. Đây là mức tăng khá lớn làm ảnh hưởng đến khả năng đầu tư sản xuất của gia đình.

Bác Trường chia sẻ: Chưa khi nào giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tiếp nhiều đợt và cao như hiện nay. Do vậy, chi phí đầu tư cho sản xuất bị đội lên rất lớn, gia đình phải tính toán số lượng đàn hợp lý để bảo đảm khả năng tài chính.

Giá thức ăn tăng cao  Người chăn nuôi lợn gặp khó
Thức ăn chăn nuôi được sản xuất tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học Tân Việt, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục).

Thực tế, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp đến 5 lần trong gần 1 năm trở lại đây. Theo tính toán, để nuôi 1 con lợn có trọng lượng 100 kg, chi phí tiền thức ăn (8 bao cám) cộng thêm hơn 300 nghìn đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Giá thức ăn tăng, nhưng giá lợn hơi xuất chuồng bấp bênh và giảm đáng kể.

Hiện giá lợn hơi bình quân 75 nghìn đồng/kg, giảm hơn 10 nghìn đồng/kg so với đầu năm 2020 (tương đương trên 1 triệu đồng/con lợn thịt trọng lượng 100 kg). Với chăn nuôi lợn thịt, thức ăn cám công nghiệp chiếm khoảng 35% chi phí đầu tư. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tái đàn lợn thời gian qua chậm, nhiều hộ để trống chuồng hoặc chuyển sang làm nghề khác.

Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT), hiện nay, phần lớn nguồn thức ăn trong chăn nuôi lợn đều dựa vào cám công nghiệp. Do vậy, giá thức ăn càng tăng cao, lợi nhuận thu được càng giảm. Nếu chăn nuôi gặp dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt đàn cao, nguy cơ người nông dân sẽ thua lỗ.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng thời gian qua là do giá nguyên liệu của thế giới tăng cao. Trong khi đó, để sản xuất thức ăn chăn nuôi các doanh nghiệp chế biến phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu từ bên ngoài. Cụ thể, với 2 nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi là giá khô đậu nhập khẩu giai đoạn tháng 9/2020 ở mức 8 nghìn đồng/kg, hiện nay lên hơn 12 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên mức 14 nghìn đồng/kg; ngô hạt hiện giá nhập 7,3 nghìn đồng/kg, tăng 64% so với tháng 9 năm 2020. Ngoài ra, cước vận chuyển tăng đáng kể, như: nguyên liệu đóng  Công-ten-nơ tăng hơn 200%, nguyên liệu rời tăng 50%.

Tìm hiểu tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học Tân Việt, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, có công suất nhà máy đạt 80 nghìn tấn/năm, được biết, hiện doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất nhưng gần như chỉ bình toán do giá nhập nguyên liệu quá cao.

Ông Trương Long Vân, Giám đốc công ty chia sẻ: Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng là yếu tố chính đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao. Doanh nghiệp thời gian qua đã cố gắng hết sức cùng chia sẻ với người chăn nuôi bằng việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi thực hiện theo từng giai đoạn, tránh việc tăng đột ngột. Đồng thời, doanh nghiệp phải chuyển thị trường nhập nguyên liệu từ Brasil sang Ấn Độ có giá hợp lý hơn để hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Cũng theo ông Vân, khả năng giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng 1 - 2 lần nữa trong thời gian tới trước khi giữ ổn định và giảm xuống vào khoảng tháng 9/2021.

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn thịt lại bấp bênh, ngành NN & PTNT đã có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo đến người chăn nuôi. Theo đó, các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ cần tính toán phát triển đàn lợn hợp lý để tránh rủi ro do tác động từ việc tăng giá thức ăn. Đồng thời, người dân cần thực hiện chặt chẽ phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt đàn trong điều kiện chi phí đầu vào từ cả thức ăn và con giống cao như hiện nay. 

Chăn nuôi lợn vẫn đang được coi là hướng đi mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp. Việc tính toán đầu tư phù hợp khi giá thức ăn tăng cao giúp người chăn nuôi ổn định và phát triển sản xuất.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy