Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Vụ mùa 2021, gia đình bác Trần Thị Hòa, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) gieo trồng 7 sào lúa. Bác Hòa chia sẻ: Giá phân bón tăng cao làm chi phí sản xuất trên đồng ruộng “đội” lên rất nhiều. Với diện tích ruộng của gia đình, nếu bón đủ các loại phân (bón lót, bón thúc các đợt) sẽ phải bỏ thêm khoảng 300 nghìn đồng, tương đương với 0,5 tạ thóc. Chi phí cao như hiện nay, sản xuất không khéo, gặp thời tiết bất thuận hay dịch hại nhiều rất dễ thua lỗ.

Theo tính toán, chi phí cho sản xuất 1 sào lúa hiện nay ở mức khá cao, lên đến trên 700 nghìn đồng, gồm: Công làm đất, giống, cấy (đa phần thuê), phân bón, thu hoạch, thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ tính riêng đầu tư cho phân bón các loại đã lên tới 200 nghìn đồng, chiếm gần 25% chi phí. Như vậy, 1 sào lúa cho năng suất 2 tạ thóc, chi phí đầu tư chiếm đến 50% (tính theo giá thóc chất lượng). 

Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất
Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Thanh Tùng nhập phân bón phục vụ sản xuất vụ mùa 2021.

Qua tìm hiểu, giá các loại phân bón hiện nay trên thị trường đều tăng khá cao so với đợt cuối năm 2020. Cụ thể, phân NPK phục vụ cả bón lót và bón thúc tăng từ 3,8 lên 4,5 nghìn đồng/kg, tương đương mức tăng gần 20%; lân, kali tăng 20%; đạm tăng xấp xỉ 40% (từ 7 lên 11 nghìn đồng/kg). Do giá tăng cao, phân bón nhập về hạn chế, chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất trước mắt. Các đại lý không có lượng dự trữ trong kho phục vụ cho các đợt sản xuất tiếp theo.

Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Thanh Tùng, xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý) là một trong những đơn vị bán lẻ phân bón khá lớn, với lượng cung ứng mỗi vụ khoảng 4.000 tấn NPK các loại, 500 tấn đạm, 150 tấn kali… Để phục vụ cho sản xuất vụ mùa năm nay, doanh nghiệp đã chủ động nhập một lượng phân bón NPK từ giữa vụ xuân, nhưng vào vụ sản xuất hiện nay lượng phân bón của doanh nghiệp cũng chỉ cung ứng đủ một phần cho giai đoạn bón lót. Lượng phân đạm nhập về không nhiều, mỗi lần khoảng 30 – 40 tấn, đều được chuyển ngay cho khách hàng, không còn lượng dự trữ trong kho.

Ông Đào Quang Sáng, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Thanh Tùng cho biết: Từ đầu năm đến nay giá phân bón các loại đã tăng 3 lần và chưa có chiều hướng giảm. Doanh nghiệp đang cố gắng bảo đảm nguồn hàng để cung ứng đủ cho 200 đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Cũng theo ông Đào Quang Sáng, nguồn nguyên liệu chính để phục vụ sản xuất phân bón đều phải nhập khẩu lượng khá lớn như: Đạm, Kali, DAB. Trong khi đó, các loại nguyên liệu nhập đều tăng cao do tác động từ nhiều yếu tố, nhất là giá dầu mỏ tăng làm cho cước vận chuyển bị “đội” lên rất nhiều so với trước. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến giá phân bón tăng cao thời gian qua.

Hiện nay, mỗi năm diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta sử dụng khoảng 100 nghìn tấn phân bón các loại. Trong đó, riêng vụ lúa mùa dùng khoảng 40 nghìn tấn. Với mức giá tăng như hiện nay, chi phí cho sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng phải tốn thêm hàng tỷ đồng. Được biết, để hạn chế tác động từ giá phân bón tăng cao vào vụ sản xuất, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn và tập huấn cho người dân các địa phương các biện pháp chăm sóc.

Cụ thể, vụ lúa mùa năm nay nông dân cần áp dụng chặt chẽ biện pháp bón phân cân đối. Trong đó, chú ý hạn chế bón phân đạm (có mức tăng giá cao), bón tăng lượng NPK, Kali... Các địa phương cần bám sát bản đồ phân tích nông hóa thổ nhưỡng giúp người dân bón phân cân đối trên từng cánh đồng, không để bón thừa phân. Biện pháp này vừa giúp tiết kiệm lượng phân bón, vừa giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu, bệnh gây hại. 

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT), quy trình chăm sóc, bón phân cho lúa và cây trồng đều đã được cơ quan chuyên môn triển khai, hướng dẫn cụ thể đến các địa phương. Vấn đề chính hiện nay là người dân cần bón phân theo hướng dẫn, tuyệt đối không bón thừa lượng phân dẫn đến tăng chi phí, nhất là trong điều kiện giá phân tăng cao như hiện nay.

Sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng đang chịu tác động rất lớn của biến động giá, cả giá thành đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Giá phân bón tăng cao sẽ tác động và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân. Do vậy, việc thực hiện tốt quy trình bón phân theo hướng dẫn sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.