Đưa máy cấy vào đồng ruộng: Hiệu quả là yếu tố quyết định

Ông Đào Ngọc Toan, Giám đốc HTXDVNN Bắc Tân (xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm) chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và quyết tâm mở rộng diện tích cấy máy trên đồng ruộng địa phương.

Vụ xuân năm 2022, lần đầu tiên HTXDVNN Bắc Tân, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm vận động bà con nông dân thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy. Việc tưởng chừng hết sức đơn giản bởi ước mơ bao đời của nhiều bà con nông dân là có máy cấy thay thế sức người lao động sản xuất trên đồng ruộng. Tuy nhiên, thực tế, để đưa máy cấy vào đồng ruộng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, HTX, cán bộ thôn... đã cùng vào cuộc, tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục người dân thực hiện phương pháp gieo trồng mới. Trò chuyện với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam, ông Đào Ngọc Toan, Giám đốc HTXDVNN Bắc Tân đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và quyết tâm mở rộng diện tích cấy máy trên đồng ruộng Thanh Tân.

P.V: Đưa máy cấy vào đồng ruộng giúp giảm thời gian, chi phí, sức lao động cho nông dân, lại nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Với những ưu điểm nổi trội như vậy, vì sao đưa máy cấy vào đồng ruộng lúc đầu vẫn gặp khó khăn, thưa ông?

Đưa máy cấy vào đồng ruộng Hiệu quả là yếu tố quyết định
Ông Đào Ngọc Toan, Giám đốc HTX Bắc Tân thăm đồng, kiểm tra chất lượng lúa gieo cấy bằng máy ở địa phương.

Ông Đào Ngọc Toan: Khó khăn đầu tiên, vì đây là mô hình mới, bà con nông dân lúc đầu còn nghi ngờ và e ngại về hiệu quả của mô hình. Qua các buổi họp dân chúng tôi nắm bắt được những lo lắng của nông dân như: Bà con nghe nói nơi này, nơi khác mật độ máy cấy thưa (từ trước đến nay nông dân thường gieo cấy mật độ dầy hơn cấy máy), mất công dặm tỉa, ảnh hưởng đến năng suất; công cấy cao dẫn tới kinh phí đầu tư cao... Khó khăn nữa là dịch vụ mạ khay, cấy máy có bảo đảm được yêu cầu về tiến độ, chất lượng? Bởi, ngoài máy cấy, sản xuất mạ khay đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn, kinh phí đầu tư cao... Bên cạnh đó, người dân cũng lo lắng trong quá trình thực hiện cấy máy việc điều tiết nước có bảo đảm được yêu cầu đặt ra?... Đây là những khó khăn chính khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy ở HTX Bắc Tân.

P.V: Khó khăn là vậy, nhưng được biết, vụ đầu tiên đưa máy cấy vào đồng ruộng HTXDVNN Bắc Tân đã thực hiện vượt xa kế hoạch được giao. Xin ông cho biết cách làm của Bắc Tân?

Ông Đào Ngọc Toan: Tổng diện tích gieo cấy của HTX DVNN Bắc Tân là 147,6 ha. Vụ xuân 2022, xã Thanh Tân (gồm 2 HTX là Nam Tân và Bắc Tân) được huyện Thanh Liêm giao thực hiện mô hình mạ khay cấy máy với diện tích là 20ha. Quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch được giao, Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, sát sao lãnh đạo, chỉ đạo HTXDVNN, các ban ngành, đoàn thể xã hội, thôn xóm triển khai thực hiện mô hình. Đặc biệt, đại diện lãnh đạo xã đã cùng cán bộ HTXDVNN... trực tiếp về từng thôn họp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục nông dân đồng thuận triển khai thực hiện mô hình. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, HTX họp bàn, quyết định chọn thực hiện mô hình trên diện tích cánh đồng mẫu (được xây dựng từ năm 2017) với diện tích là 31,7 ha. Toàn bộ diện tích này chỉ cấy duy nhất giống lúa chất lượng cao đó là TBR225 của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed.

Đưa máy cấy vào đồng ruộng Hiệu quả là yếu tố quyết định
  Cấy lúa bằng máy ở HTXDVNN Bắc Tân. Ảnh: Thanh Châu

Về dịch vụ mạ khay, cấy máy, xã, HTX đã vận động ông Sử Quốc Lai, thôn Nham Tràng (đang làm dịch vụ làm đất, thu hoạch), là người có sức khỏe, có điều kiện, lại gắn bó và tâm huyết với đồng ruộng chịu trách nhiệm làm dịch vụ mạ khay cấy máy. Để thực hiện mô hình, ông Lai đã chủ động đầu tư mua máy cấy, máy gieo hạt... đồng thời ký cam kết đảm nhiệm thực hiện dịch vụ mạ khay cấy máy bảo đảm chất lượng, tiến độ. Về phía HTX, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết nước đáp ứng yêu cầu trong sản xuất...  Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ HTX, người làm dịch vụ, trưởng thôn, đội trưởng sản xuất luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, sát sao đồng ruộng, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những khó khăn nảy sinh...

Có thể nói, được tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật, bảo đảm về chất lượng dịch vụ mạ khay, cấy máy; nước tưới tiêu điều tiết hợp lý... vụ xuân 2022, vụ đầu tiên đưa mô hình mạ khay cấy máy vào đồng ruộng, HTXDVNN Bắc Tân đã thực hiện cấy máy được 92ha, vượt xa kế hoạch được giao. Khi thu hoạch, năng suất lúa bình quân trên diện tích mạ khay cấy máy đạt từ 2,8-3 tạ/sào; lúa gieo cấy truyền thống đạt khoảng 1,7-1,8 tạ/sào. Đến ngày thu hoạch lúa xuân, nhiều nhà thiếu bao đựng lúa bởi không nghĩ năng suất đạt cao đến vậy. “Trăm nghe không bằng một thấy”, tận mắt chứng kiến hiệu quả bước đầu từ mô hình cấy máy, ngay trong vụ mùa 2022, diện tích cấy máy của HTXDVNN Bắc Tân được mở rộng lên 110 ha.

P.V: Như vậy, chỉ sau vụ đầu, mô hình cấy máy đã phủ phần lớn diện tích gieo cấy ở Bắc Tân, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Toan: Qua thực tiễn sản xuất, lợi ích của mô hình cấy máy đã được chứng minh. Đó là, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm công lao động, năng suất lại tăng. Cấy máy là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Trước năm 2022, nông dân Bắc Tân chủ yếu thực hiện gieo sạ ở cả hai vụ lúa. Từ năm 2020, trên đồng ruộng Bắc Tân bắt đầu xuất hiện lúa cỏ, nhưng còn ít, rải rác ở một vài cánh đồng. Tuy nhiên, đến vụ xuân 2021, lúa cỏ xuất hiện nhiều hơn, có gia đình phải cắt bỏ tới 6-7 sào. Tổng diện lúa cỏ gây hại nặng trên đồng ruộng của HTX vụ xuân 2021 vào khoảng 7 ha; vụ mùa khoảng 5 ha. Có diện tích chỉ thu được từ 20 -30kg/sào.

Đưa máy cấy vào đồng ruộng chính là giải pháp hữu hiệu khắc phục được tình trạng lúa cỏ gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khi phương pháp gieo sạ không còn phù hợp. Về chi phí, vụ xuân và vụ mùa 2022, giá dịch vụ ký kết gieo cấy mạ khay, cấy máy là 300.000 đồng/sào (gồm cả giống và công cấy). Tính ra thấp hơn so với cấy thủ công, bởi hiện nay, riêng công cấy phải thuê từ 300.000-350.000 đồng/ngày công. Không chỉ ngày công cao, nếu cấy thủ công sẽ không đáp ứng được khung thời vụ, bởi lực lượng lao động chính ở nông thôn giờ chủ yếu ở độ tuổi từ 50 trở lên. Phần lớn lực lượng trẻ đi làm cho các công ty, doanh nghiệp và các ngành nghề, khác.

Nhận thấy rõ được những lợi ích thiết thực của mô hình cấy máy, nông dân đồng thuận mở rộng mô hình. Hiện nay ngoài máy cấy ngồi lái cỡ lớn của ông Sử Quốc Lai, bà con nông dân ở địa phương đầu tư mua được 12 máy dắt tay phục vụ sản xuất của gia đình, đồng thời làm dịch vụ cho các hộ có nhu cầu. Năm 2023 HTX sẽ phấn đấu thực hiện cấy máy trên 100% diện tích.

Có thể khẳng định, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng với hiệu quả thiết thực của mô hình là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện thành công mô hình cấy máy ở địa phương.

P.V: Được biết, không chỉ đưa máy cấy vào đồng ruộng, vụ mùa 2022, HTX còn đưa thêm mô hình phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái vào đồng ruộng, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Toan: Xác định rõ, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, những năm qua, HTX tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động bà con đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nhiều năm qua, khâu làm đất, khâu thu hoạch của HTX đã thực hiện cơ giới 100%. Vụ mùa 2022, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình cấy máy, HTX còn thực hiện thí điểm mô hình máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái trên diện tích 55 mẫu. Kết quả đánh giá bước đầu, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức, giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, mô hình này giúp người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, nhờ vậy sức khỏe được bảo vệ.  Cùng với đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất, HTX đang hướng tới việc thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất.

Đưa máy cấy vào đồng ruộng Hiệu quả là yếu tố quyết định
Thu hoạch lúa trên diện tích thực hiện mô hình cấy máy.

P.V: Hiện nay, có tình trạng một số nông dân không thiết tha với đồng ruộng. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp gì để khắc phục được tình trạng trên?

Ông Đào Ngọc Toan: Báo cáo đánh giá cuối năm của HTX chúng tôi năm nay cũng chỉ ra, hiện nay, một số nông dân không còn thiết tha, gắn bó với đồng ruộng. Nguyên nhân chính là thu nhập từ đồng ruộng thấp. Thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp không ngừng tăng, giá thóc lại không tăng khiến thu nhập từ nông nghiệp lại càng thấp hơn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp phải đối diện với nhiều rủi ro như: Thiên tai, sâu bệnh... Để khắc phục được tình trạng trên, ngoài nỗ lực đưa cơ giới hóa; đưa giống lúa chất lượng, năng suất vào đồng ruộng... Nông dân mong muốn, thời gian tới, nhà nước, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn như: Đầu tư tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng; hỗ trợ bà con nông dân khi giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng tăng hoặc khi thiên tai gây mất mùa; có nhiều chương trình, đề án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp...

Tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với đồng ruộng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

 Phạm Hiền (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy