Hàng chục doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm đầu năm 2022 với mong muốn tiếp cận nguồn lao động sau thời gian dài sàn giao dịch việc làm trực tiếp không được mở vì đại dịch Covid -19. Người lao động (NLĐ) vì nhiều lý do chỉ có một số ít đến phiên giao dịch để tìm kiếm việc làm, được tư vấn những vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Là một trong 8 DN có mặt tham gia tuyển dụng trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm được tổ chức sáng 25/2/2022 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đại diện Công ty TNHH Neweb Việt Nam (KCN Đồng Văn III) cho biết, doanh nghiệp đang cần tuyển dụng trên 1.000 lao động, tuổi từ 18 đến 45, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Các vị trí được tuyển dụng là công nhân làm các công việc lắp ráp, đóng gói; kỹ sư, kỹ thuật viên IT, kỹ sư bảo trì thiết bị, kế toán…
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các F0 tăng nhanh trong cộng đồng, việc có mặt tại sàn giao dịch việc làm trực tiếp như thế này cũng mang lại những trăn trở đối với doanh nghiệp. Một cán bộ nhân sự công ty cho biết: Dù không đạt được kỳ vọng, nhưng đây là phiên giao dịch đầu tiên trong năm nay sau một thời gian dài hoạt động tuyển dụng trực tiếp tại đây không được tổ chức. Chúng tôi kỳ vọng, thời gian tới những phiên giao dịch việc làm thế này sẽ giúp cho DN và NLĐ có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Hà, Công ty cổ phần Kamuri, một doanh nghiệp dệt may ở KCN Châu Sơn cũng hy vọng: Chúng tôi cần tuyển gần 100 người cả nam và nữ, có sức khỏe, tay nghề ngay tại phiên giao dịch này. Trong số những người đến đây tìm việc, rất nhiều người không có nhu cầu việc làm một cách thực sự. Nếu có thì lại không đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi gặp phải những khó khăn này, nhưng thực tế cho thấy dịch bệnh đã làm cản trở doanh nghiệp rất nhiều trong công tác tuyển dụng lao động ở bất kỳ hình thức nào…
Để sàn giao dịch được diễn ra theo đúng kế hoạch trong điều kiện cán bộ, nhân viên đơn vị bị mắc Covid-19 tương đối đông, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam đã phải điều động nhân sự từ vị trí này sang vị trí khác thay thế các F0 phải nghỉ việc điều trị và cách ly. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Dù cán bộ trung tâm mắc Covid-19 khá nhiều, nhưng chúng tôi luôn chủ động, linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp. Trong trường hợp văn phòng giao dịch việc làm các huyện, thị xã, thành phố trong ngày mở sàn giao dịch cán bộ phải nghỉ vì mắc Covid-19, hoạt động này sẽ chuyển về Sàn giao dịch trung tâm. Và các văn phòng phải thông báo cho doanh nghiệp và NLĐ biết thời gian, địa điểm để họ sắp xếp thời gian. Dù ở vị trí nào thì họ cũng làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Chúng tôi chỉ yêu cầu thay đổi, nếu ở các văn phòng giao dịch việc làm các huyện, thị trong ngày mở sàn không còn người trực tiếp làm việc vì mắc Covid-19, hoạt động của văn phòng đó sẽ chuyển về Sàn giao dịch trung tâm để mọi việc diễn ra bình thường. Tất nhiên, các văn phòng sẽ phải thông báo cho doanh nghiệp và NLĐ biết trước để họ thu xếp kế hoạch của họ”.
Dù lực lượng cán bộ mỏng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai khá thành công sàn giao dịch việc làm để 8 DN và gần 200 lao động có mặt trực tiếp tại sàn được gặp gỡ, trao đổi, thông tin cho nhau nhu cầu cần thiết của cả hai phía. Ngoài ra, cán bộ trung tâm đã vận hành hệ thống thông tin tuyển dụng của 15 doanh nghiệp khác đăng ký tuyển dụng gián tiếp. Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm: “Nhu cầu tuyển dụng của DN đăng ký tại phiên giao dịch này gấp hơn 4 lần số lao động có mặt tại đây. Nói như thế để thấy, cung vẫn thấp hơn cầu rất nhiều. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố khác, thị trường lao động Hà Nam vẫn giữ được sự ổn định tương đối. Không có tình trạng co kéo lao động giữa các doanh nghiệp một cách thiếu lành mạnh. Người lao động cũng không nhảy việc một cách tùy tiện, thiếu tính toán như mọi nơi”.
Thông tin về doanh nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng được công khai thông báo dưới các hình thức trực tiếp và trực tuyến, NLĐ vì e ngại dịch bệnh vẫn có thể tham gia giao dịch một cách thuận lợi. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Th., Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), đang là F0, qua giao dịch trực tuyến tại phiên giao dịch này, chị cũng nắm được thông tin cần tuyển 2.000 công nhân của Công ty TNHH Risuntek Việt Nam với mức lương cơ bản và các khoản trợ cấp, thưởng cho NLĐ theo vị trí việc làm dao động từ 8-14 triệu đồng/người/tháng. Chị đã nghiên cứu rất kỹ các thông tin đăng tải trên website của trung tâm và tham gia đăng ký tìm việc làm bằng hình thức trực tuyến.
Anh Nguyễn Việt Thắng, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm có mặt trực tiếp tại sàn giao dịch từ sớm cũng mong muốn sẽ được làm ở một DN nào đó phù hợp với nghề mà anh đã học là kỹ thuật điện dân dụng. Chỉ có một băn khoăn với anh lúc này: “Tôi đã tìm việc nhiều lần, nhà tuyển dụng đăng thông tin và trao đổi trực tiếp khá rõ ràng, nhưng khi đến thực tế làm việc mới thấy nhiều vấn đề không đúng như trao đổi”.
Và, một trong những gánh nặng tâm lý làm NLĐ cân nhắc tìm việc lúc này chính là dịch bệnh Covid-19. Nhiều người cho biết, các KCN đang có nhiều công nhân lao động bị mắc Covid-19, nếu nhà ở và các vấn đề liên quan đến việc học hành, chăm sóc con cái không được bảo đảm, NLĐ cũng sẽ khó quyết định đi xa để làm. Vì thế nhiều NLĐ sẽ hưởng nốt bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới trong các phiên giao dịch sau.
Giang Nam