Doanh nghiệp gặp khó trong việc tuyển dụng lao động tay nghề cao 

Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường khá đông, nhưng số người đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp lại hạn chế. Lý do mà nhiều người lao động tham gia tuyển dụng vào các vị trí nhân sự chất lượng cao của doanh nghiệp không đạt không phải tấm bằng đại học mà các chứng chỉ theo lĩnh vực ngành nghề, kỹ năng mềm…

Từ năm ngoái đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cứ mở phiên giao dịch việc làm nào là đích thân ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng HaViCo đến trực tiếp tuyển nhân sự. Theo dõi một buổi sáng tại sàn giao dịch việc làm tổ chức hôm 15/4 thấy, có hơn chục người mang hồ sơ đến "trình" với ông. Thế nhưng, chẳng mấy người "lọt vào mắt xanh" của vị giám đốc này. Ông Phạm Mạnh Hùng hỏi người đến xin việc tuổi, bằng cấp, kinh nghiệm, các chứng chỉ hành nghề theo quy định…, hầu như ai cũng có bằng đại học, độ tuổi đáp ứng, nhưng thiếu kinh nghiệm, không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết hạn.

Ông Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: Ở đây chỉ có mình tôi phỏng vấn, có nhiều vấn đề bỏ qua. Nhưng cái cơ bản nhất là chứng chỉ hành nghề không đáp ứng thì chúng tôi không thể nhận được. Đơn vị tôi cần tuyển 6 vị trí tư vấn, như tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thiết kế đường dây và trạm áp… Theo quy định của Bộ Xây dựng, phải có chứng chỉ hành nghề thì mới chủ trì thiết kế, chủ trì giám sát được. Từ sáng đến giờ, được một bạn có chứng chỉ hành nghề nhưng lại hết hạn.

Doanh nghiệp gặp khó trong việc tuyển dụng lao động tay nghề cao 
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng nhân sự cấp cao. 

Cũng giống như ông Phạm Mạnh Hùng, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, cán bộ Công ty TNHH MTV Trường Hải cũng trở thành cán bộ tuyển dụng "ruột" ở mỗi phiên giao dịch này. Bà Liên gần như phiên nào cũng có mặt để tuyển nhân sự cho công ty, nhưng trong số mấy chục người phỏng vấn, may ra ghi tên được một vài người.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết: Yêu cầu của công ty tương đối cao, gồm ngoại hình, tuổi, trình độ, kỹ năng giao tiếp… Có người có trình độ thì lại không có kỹ năng mềm, không đáp ứng yêu cầu về tuổi. Thậm chí, về cân nặng cũng không đáp ứng! Nói chung, tuyển nhân sự cấp cao bây giờ khó khăn. Chị cứ nhìn những người đến phiên giao dịch này thì thấy, chủ yếu là lao động phổ thông. Những bạn có trình độ đại học lại đào tạo ở những lĩnh vực rất khó tuyển dụng. Tôi có mặt ở hầu hết các phiên giao dịch việc làm, kể cả xuống các huyện, thị xã nhưng việc tìm nhân sự cho công ty vẫn không như mong muốn.

Hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh hiện nay đều gặp khó khăn, phải tung cán bộ làm công tác nhân sự tìm người ở cả trong và ngoài tỉnh. Theo báo cáo điều tra thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh năm 2020, nguồn lao động qua đào tạo được tổng hợp qua phiếu điều tra là 47.766 người, chiếm 42,76%, tăng so với các năm trước đó. Trong số 50.569 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn được điều tra, có 3.956 người có chứng chỉ nghề, 5.492 người có bằng nghề dài hạn, 4.749 người có bằng đại học trở lên. Rõ ràng, so với nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao của doanh nghiệp không nhiều, nhưng lại gặp khó.

Vì sao lại khó? Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng HaViCo cho biết: Từ thực tế xét tuyển thời gian qua cho thấy, người đến xin việc học đại học thật, thậm chí đúng ngành nghề chúng tôi cần nhưng còn thiếu nhiều yếu tố mà quan trọng là thiếu kỹ năng mềm. Thí dụ khi tuyển dụng ở ngay công ty tôi, các bạn ấy khi được yêu cầu soạn thảo một văn bản thôi cũng làm không xong, vừa lúng túng, vừa không hiểu quy cách, thể thức văn bản đó thế nào. Vấn đề không phải là lương, công ty đề rõ mức lương trả cho các vị trí công việc từ 10 đến 20 triệu đồng đấy, trong khi các bạn chỉ cần 15 triệu đồng thôi. Vào việc mới thấy kỹ sư, cử nhân của ta được đào tạo không như ngày xưa chúng tôi. Thi đầu vào đã khó, học còn khó hơn. Để theo học, trở thành một kỹ sư xây dựng có trình độ vừa làm, vừa tư vấn không phải đơn giản đâu. Vì thế, tôi đã khuyên các bạn ấy, nếu yêu nghề này nên tập trung vào kỹ năng. 

Theo dõi nhiều phiên giao dịch, trò chuyện với nhiều doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thấu hiểu tình cảnh này. Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Có doanh nghiệp tuyển dụng kỹ sư điện. Nhiều bạn đến nộp hồ sơ, phỏng vấn nghe có vẻ rất được đấy, nhưng khi cán bộ nhân sự của công ty yêu cầu anh ta nối một mạch điện thì loay hoay không biết làm thế nào. Doanh nghiệp đành phải trả hồ sơ, tìm người khác.

Ông Nguyễn Quang Tuấn nói: Qua phân tích, đánh giá thị trường lao động ở Hà Nam năm vừa qua cũng như các năm trước cho thấy chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Khả năng thích ứng với môi trường làm việc, kỹ năng thực hành của nhiều sinh viên mới ra trường vẫn còn hạn chế; tính cạnh tranh của thị trường lao động hội nhập về nhân lực chất lượng cao đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có tư duy sáng tạo, đáp ứng môi trường làm việc hiện đại, trong khi đó sự trang bị về kiến thức, kỹ năng, tư duy của người lao động chưa cao, chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động hội nhập và di chuyển lao động ra các quốc gia trên thế giới.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy