Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vôi công nghiệp

Năm 2011, Công ty TNHH Savina Hà Nam đầu tư dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp (VCN) theo công nghệ lò đứng. Công suất nhà máy hiện đạt 150-200 tấn/ngày, với sản phẩm là vôi cục cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất VCN theo công nghệ mới đã giúp công ty chế biến sâu và nâng cao giá trị từ sản phẩm đá sau khai thác.

Savina là công ty đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất VCN trên địa bàn tỉnh. Ông Ngô Văn Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Savina cho biết: Phát triển sản xuất vôi ở Hà Nam khá thuận lợi do có trữ lượng đá vôi lớn và có thị trường tiêu thụ tốt. Chính vì thế, công ty đã mạnh dạn tìm hướng sản xuất mới trong khi trên địa bàn chủ yếu vôi được sản xuất theo phương pháp thủ công là chính.

Chuẩn bị nguyên liệu sản xuất vôi tại Công ty TNHH Savina Hà Nam.

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới sản xuất vôi, thế nhưng phải mất đến 6 năm sau, công ty mới đúc rút được kinh nghiệm và làm chủ được kỹ thuật sản xuất. Nguyên nhân là do máy móc thiết bị nhập khẩu toàn bộ, có chi tiết không phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế và nguồn nguyên, nhiên vật liệu, điều kiện khí hậu cũng tạo ra sự khác biệt nên việc vận hành lò nung không theo ý muốn.

Ông Ngô Văn Tuyến cho biết thêm: Thời gian đầu công ty phải thuê chuyên gia nước ngoài phối hợp vận hành lò nung, nhưng do thất bại nhiều nên sự hợp tác không được thực hiện theo cam kết. Chuyên gia không hợp tác nữa, công ty tự vận hành, đúc rút kinh nghiệm sản xuất. Hiện công ty đã làm chủ được công nghệ nung vôi lò đứng, với chất lượng đạt từ 90% trở lên.

Từ thành công của lò nung vôi số 1, năm 2018, Công ty TNHH Savina Hà Nam tiếp tục đầu tư lò nung số 2 có công suất lớn hơn, đạt 200-250 tấn/ngày. Lò hoạt động chính thức vào đầu năm 2019. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó.

Ông Vũ Trịnh Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đạt Thành Phú (Hải Phòng) cho biết: Công ty chúng tôi thường xuyên thu mua sản phẩm của Công ty TNHH Savina Hà Nam để xuất sang Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Băng-la-đét. Chất lượng vôi sản xuất công nghiệp tại Hà Nam được khách hàng đánh giá rất cao.

Tại Công ty cổ phần sản xuất VCN (Thanh Liêm) hiện cũng đang tập trung cao độ cho việc xây dựng hoàn thiện cơ sở sản xuất. Công ty chủ trương sẽ tìm một hướng đi riêng trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm có tính chất đặc thù này và thực hiện đa dạng hoá sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Phát triển sản phẩm vôi và một số sản phẩm chế biến từ đá khác, các công ty sản xuất VCN mong muốn góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh là chế biến sâu các sản phẩm từ đá khai thác để phát huy lợi thế chất lượng nguồn đá vôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 phải dừng toàn bộ lò thủ công sản xuất vôi trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, để có nguồn vôi cung cấp cho nhu cầu của thị trường, việc đầu tư phát triển nhà máy sản xuất VCN thay thế lò vôi thủ công là cần thiết.

Mới đây, Công ty TNHH vận tải thủy Hải Long đề nghị với tỉnh cho phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VCN, công suất 300.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng tại xã Thanh Thuỷ (Thanh Liêm).

Ông Lại Xuân Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH vận tải thủy Hải Long cho biết: Công ty cam kết đầu tư thiết bị tiên tiến, chú trọng giải pháp công nghệ để đáp ứng các chỉ tiêu tiêu hao điện năng, nhiệt năng, không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực nhà máy, khu vực khai thác mỏ và xung quanh.

Thuận lợi của công ty là đã có mỏ được cấp, năng lực (phương tiện vận tải thủy, bộ, cầu cảng...) đáp ứng yêu cầu sản xuất. Công ty phấn đấu vận hành hiệu quả dự án ngay sau khi xây dựng đưa vào hoạt động nhằm góp phần tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại Hà Nam có 10 dự án sản xuất VCN được chấp thuận đầu tư. Trong số này có 2 dự án đã đi vào sản xuất, 3 dự án đang đầu tư xây dựng, 3 dự án đang làm thủ tục đầu tư và 2 dự án đã có quy hoạch chưa đầu tư. Tổng công suất đăng ký của các dự án là 3,390 triệu tấn/năm.

Các dự án đầu tư đều lựa chọn công nghệ tiên tiến nhằm tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên, nhiên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho các ngành, lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.