Thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm làng nghề

Hà Nam là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã khiến cho các làng nghề phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước thực tế này, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã và đang quan tâm, triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, tạo đòn bẩy để các làng nghề khôi phục sản xuất, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. 

Nổi tiếng với các sản phẩm lụa, làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) hiện có khoảng 250 hộ, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh. Nhờ có nhiều ưu điểm, như: tính thẩm mỹ cao, mẫu mã đa dạng, chất liệu 100% tơ tằm, giá cả cạnh tranh, sản phẩm lụa của Nha Xá được nhiều người tin dùng.

Với gần 400 chiếc máy dệt các loại, vào giai đoạn trước khi bùng phát dịch bệnh Covid -19, mỗi năm, thôn Nha Xá cung cấp ra thị trường xấp xỉ 1 triệu mét lụa, đũi, khăn lụa các loại. Thế nhưng, trong năm 2020, 2021, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm của làng nghề giảm mạnh. Sản lượng lụa tiêu thụ ra thị trường giảm 50-60% so với bình thường. Hầu hết các hộ sản xuất phải giảm công suất hoạt động của máy dệt, cắt giảm nhân công, duy trì sản xuất cầm chừng.  

Thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm làng nghề
Bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) là một trong những sản phẩm làng nghề của Hà Nam được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng về sản phẩm lụa, bên cạnh việc đầu tư 8 máy dệt tự động với tính năng hiện đại, cho năng suất và tính thẩm mỹ cao, thời gian qua, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ cơ sở sản xuất lụa Nguyệt Hưng, thôn Nha Xá vẫn duy trì hoạt động của 3 máy dệt thủ công.

Theo chia sẻ của chị Nguyệt, trong giai đoạn 2020-2021, cả làng nghề phải đối diện với khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm và gia đình chị cũng không ngoại lệ. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm khiến gia đình chị phải cắt giảm hoạt động của 30% số máy dệt. Doanh thu vì thế giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường tiêu thụ đối với các dòng sản phẩm lụa của Nha Xá đã có nhiều khởi sắc. Sản lượng lụa tiêu thụ ra thị trường của cơ sở đạt xấp xỉ 90% so với thời điểm trước dịch bệnh. Phần lớn sản phẩm lụa của gia đình chị cũng như của làng nghề Nha Xá được tiêu thụ ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Thị trường lụa đã khởi sắc là nhận định của các hộ sản xuất, chủ doanh nghiệp ở làng nghề dệt lụa Nha Xá. Từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt là từ khi mở cửa du lịch trở lại, số lượng doanh nghiệp đặt hàng, khách đến tìm hiểu và trực tiếp mua sản phẩm lụa ở làng nghề đã tăng mạnh.

Anh Phạm Văn Hoạt, chủ cơ sở sản xuất lụa Hà Hoạt, thôn Nha Xá cho biết: Để phục hồi sản xuất sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, bên cạnh việc làm tốt khâu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm lụa, cơ sở sản xuất lụa Hà Hoạt còn ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác chuyên xuất khẩu lụa đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch, cơ sở còn xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như facebook, zalo... Trong 5 tháng đầu năm 2022, số lượng khách hàng đặt mua sản phẩm lụa qua kênh trực tuyến và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản lên tới hàng chục nghìn người. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi và hứa hẹn một năm đạt mức tăng trưởng cao về doanh thu so với năm trước.

Cùng với sự năng động, linh hoạt, sáng tạo của người dân làng nghề trong đổi mới mô hình sản xuất, tìm các phương thức mới để quảng bá sản phẩm và bán hàng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề Nha Xá được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ giới thiệu và bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử... 

Ông Nguyễn Mạnh Trinh, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam nhấn mạnh: Để làng nghề phục hồi, phát triển, một trong những yếu tố cốt lõi mang tính quyết định là sản phẩm lụa sản xuất ra phải đạt chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu. Bên cạnh đó, mỗi hộ sản xuất cần có phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo cấp ủy chi bộ, lãnh đạo thôn quy tụ đội ngũ cán bộ chủ chốt của thôn, hiệp hội làng nghề, Hợp tác xã Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến trên địa bàn thống nhất xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm. 

Tỉnh Hà Nam có 32 làng nghề truyền thống và 26 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid – 19, song giá trị sản xuất của các làng nghề vẫn đạt gần 1.800 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, số làng nghề có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài không nhiều. Ngoài làng nghề dệt lụa Nha Xá, mới chỉ có một số làng nghề: mây giang đan Ngọc Động (Duy Tiên); bánh đa nem làng Chều, dệt vải Hòa Hậu (Lý Nhân); thêu ren xã Thanh Hà (Thanh Liêm)… có sản phẩm xuất khẩu. Điều đáng nói là chưa có doanh nghiệp làng nghề nào trực tiếp xuất khẩu mà phải qua các khâu trung gian. Một số cơ sở, doanh nghiệp làng nghề đã hình thành kênh bán hàng trực tuyến ra nước ngoài, nhưng do rào cản về ngôn ngữ nên phương thức giao hàng và thanh toán vẫn phải thông qua bên thứ 3. Vì thế, sản phẩm xuất khẩu mang lại lợi nhuận không cao. 

Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để hỗ trợ các làng nghề đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu tại các diễn đàn lớn trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhằm đưa thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng thủ công, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, các ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương cần rà soát, đánh giá những làng nghề có thế mạnh xuất khẩu để định hướng đầu tư phát triển. Đặc biệt, mỗi người dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tại mỗi làng nghề cần phải đổi mới tư duy sản xuất, nhạy bén thị trường, có chiến lược kinh doanh phù hợp, sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy