Thanh Liêm đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ lò vôi thủ công

Mới đây, UBND huyện Thanh Liêm ban hành Kế hoạch thực hiện cơ chế hỗ trợ xóa bỏ các lò vôi thủ công (LVTC) nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi sản xuất thủ công trên địa bàn huyện, góp phần bảo đảm môi trường, sức khỏe cho người dân và bảo đảm hành lang an toàn đê điều, hành lang an toàn giao thông.

Một cơ sở sản xuất vôi ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm. Ảnh: T.L

Ông Hoàng Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành việc tháo dỡ thiết bị, nhà xưởng, lò vôi và khôi phục mặt bằng của các cơ sở sản xuất vôi thủ công xong trước ngày 30/6/2019. Để sớm hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện yêu cầu các ban, ngành, xã, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về xoá bỏ LVTC. Trong đó, huyện lưu ý các ngành, xã, thị trấn cần quan tâm đến việc hỗ trợ xoá bỏ LVTC phải bảo đảm sự công bằng, khách quan, minh bạch, đúng đối tượng, đúng chế độ và chính sách của Nhà nước quy định.

Để tạo thuận lợi cho việc xoá bỏ LVTC, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 532/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hỗ trợ xóa bỏ LVTC. Theo đó, việc hỗ trợ phải gắn với xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, đê điều, xây dựng... Chỉ thực hiện hỗ trợ khi các tổ chức, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định tại Kế hoạch số 2639 ngày 14/9/2018 của UBND tỉnh về xoá bỏ các LVTC.

Mức hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò, thiết bị, nhà xưởng, khôi phục mặt bằng, vận chuyển phế thải và các chi phí liên quan khác đối với lò có công suất từ 20 tấn/ngày trở xuống là 150 triệu đồng/lò; đối với lò công suất từ trên 20-30 tấn/ngày là 200 triệu đồng/lò và lò có công suất lớn hơn 30 tấn/ngày là 250 triệu đồng/lò. Đối với các lò vôi còn vỏ lò, không hoạt động và không có chủ lò thì UBND các huyện chỉ đạo UBND xã cưỡng chế, tháo dỡ và được hỗ trợ kinh phí.

Quyết định cũng nêu rõ người lao động được hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất trong thời gian 6 tháng đối với cả người lao động thường xuyên và không thường xuyên làm việc tại các cơ sở sản xuất vôi thủ công. Về hỗ trợ ổn định đời sống với lao động làm việc thường xuyên là 30 kg gạo tẻ thường/tháng, lao động không thường xuyên được hỗ trợ bằng 80% mức hỗ trợ trên.

Đối với người lao động và chủ lò vôi thủ công thuộc hộ gia đình chính sách làm việc tại các cơ sở sản xuất vôi thủ công đang hoạt động được hỗ trợ cho các nhân khẩu ăn theo (gồm bố, mẹ đẻ không tách hộ gia đình, vợ, chồng, con đẻ và con nuôi hợp pháp), mỗi khẩu được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% mức hỗ trợ của lao động làm việc thường xuyên.

Về hỗ trợ chuyển đổi việc làm, các lao động và chủ LVTC nếu có nhu cầu sẽ được tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới, với mức hỗ trợ theo quy định.

Ngay sau khi có kế hoạch, các ngành, xã, thị trấn của huyện Thanh Liêm đã tích cực triển khai thực hiện các bước trong quy trình tháo dỡ LVTC như: Xây dựng trình tự, văn bản, thủ tục thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn và cơ sở sản xuất vôi thủ công, người lao động hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định, bảo đảm công khai minh bạch; kiểm tra, xác nhận danh sách người lao động và chủ lò vôi thủ công thuộc hộ gia đình chính sách làm việc tại các cơ sở sản xuất vôi thủ công đang hoạt động; hướng dẫn các xã, thị trấn làm thủ tục đề nghị chuyển đổi việc làm nếu người lao động có nhu cầu...

Đáng chú ý, Thanh Liêm đã thành lập riêng hội đồng để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chấm dứt hoạt động, tháo dỡ lò vôi, khôi phục mặt bằng của các cơ sở sản xuất vôi thủ công theo kế hoạch; kiên quyết xử lý nếu các cơ sở sản xuất không thực hiện và có biện pháp cưỡng chế xử lý khi cần thiết. Quá trình thực hiện huyện khuyến khích các cơ sở sản xuất vôi thủ công nghiêm chỉnh chấp hành quy định, tạo điều kiện chuyển đổi sang sản xuất các loại hình khác để bảo đảm môi trường sinh hoạt cho dân cư xung quanh.

Riêng đối với thị trấn Kiện Khê, nơi tập trung chủ yếu LVTC đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh sản xuất vôi thủ công thực hiện xóa bỏ lò vôi theo đúng kế hoạch.

Ông Trần Quyết Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết: Thị trấn đã tổ chức hội nghị thông báo công khai, minh bạch chủ trương xoá bỏ LVTC của các cấp, mức hỗ trợ tháo dỡ, hỗ trợ cho người lao động, hướng dẫn các chủ lò vôi, người lao động thực hiện đúng trình tự đề nghị hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí.

UBND thị trấn cũng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ lò, nhà xưởng trả lại mặt bằng ban đầu; kiên quyết xử lý các vi phạm, tổ chức cưỡng chế nếu các cơ sở sản xuất vôi thủ công không chấp hành thực hiện và đề xuất vị trí đổ phế thải bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực phía bắc đường tránh thành phố Phủ Lý, phía đông Công ty cổ phần Amaccao.

Qua tìm hiểu được biết, toàn bộ các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thị trấn Kiện Khê đều đã dừng sản xuất từ trước ngày 7/4/2019, một số lò ngừng hoạt động từ cuối năm 2018. Các cơ sở sản xuất vôi thủ công đồng tình, ủng hộ việc chấm dứt hoạt động, nhưng cũng mong cơ quan Nhà nước xem xét có mức hỗ trợ đời sống, sản xuất phù hợp.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.