Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ'

Đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã có 115 doanh nghiệp với tổng số trên 3.400 lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ). Mô hình này đã giúp các doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”: vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh; vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Thế nhưng, việc thực hiện mô hình này trong khoảng thời gian dài đang bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Bảo đảm an toàn phòng dịch khi thực hiện “3 tại chỗ” 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hà Nam và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là tại Hà Nội – địa phương có lực lượng lớn lao động đang làm việc tại các KCN của Hà Nam, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN tỉnh vẫn nỗ lực vượt khó, chủ động triển khai các giải pháp để duy trì sản xuất liên tục. Trong đó, “3 tại chỗ” được xem là một trong những biện pháp hiệu quả.

Thực hiện phương án “3 tại chỗ”, hơn một tháng nay, Công ty TNHH Nissho Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên) có 20 lao động ăn, ở, làm việc tại công ty trong điều kiện sinh hoạt và các biện pháp phòng dịch được bảo đảm nghiêm ngặt. Chị Phạm Thị Hảo ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết: Tham gia mô hình “3 tại chỗ”, chúng tôi được công ty trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị sinh hoạt cần thiết, các bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Ban lãnh đạo cũng tạo điều kiện giúp đỡ chỗ ngủ, nghỉ thuận tiện. Nhờ đó, trong mùa dịch này, chúng tôi vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, tặng quà, động viên công nhân lao động thực hiện “3 tại chỗ” tại Công ty TNHH Tachibana Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên).

Để triển khai mô hình “3 tại chỗ”, theo yêu cầu, hướng dẫn của Ban Quản lý các KCN tỉnh, Công ty TNHH Nissho Việt Nam đã phải thực hiện các bước quan trọng, như: lấy ý kiến đồng thuận của người lao động; xét nghiệm Covid-19 đầu vào; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho người lao động với đầy đủ tiện nghi cần thiết; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực người lao động lưu trú; chuẩn bị đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Cùng với đó, Nissho Việt Nam cũng đã xây dựng nội quy lưu trú tại công ty với các quy định cụ thể về bảo đảm an toàn, trật tự, sinh hoạt, vệ sinh môi trường; thành lập tổ an toàn khu lưu trú để tuyên truyền, giám sát người lao động lưu trú trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch... 

Ông Takanori Miyata, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nissho Việt Nam cho biết: Công ty chúng tôi đã đầu tư đầy đủ vật dụng sinh hoạt cá nhân thiết yếu, bố trí không gian lưu trú rộng rãi, thoáng mát, sắp xếp riêng biệt khu nghỉ, ngủ dành cho lao động nam và nữ. Các khu ngủ, nghỉ có điều hòa, đáp ứng yêu cầu thông gió và ánh sáng tự nhiên nhằm bảo đảm sức khỏe cho công nhân lao động. Để động viên người lao động yên tâm làm việc, Nissho Việt Nam còn chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động, hỗ trợ cho mỗi lao động làm việc và ở lại công ty 100 nghìn đồng/ngày.

Để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, phát sinh chi phí sản xuất, tổ chức quản lý, giám sát, bố trí đội ngũ y tế để kiểm soát, sàng lọc sức khỏe cho người lao động... Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Đa phần các doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” hoạt động liên quan đến xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và các công trình trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ. Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện “3 tại chỗ” đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” vì nếu có người mắc dịch sẽ lây lan và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả công ty và KCN.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 

Mô hình “3 tại chỗ” được xem là giải pháp tình thế giúp cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn và đáp ứng yêu cầu về tiến độ các đơn hàng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để triển khai mô hình. Đơn cử như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên), việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” là không thể thực hiện do doanh nghiệp không có không gian để bố trí chỗ ngủ, nghỉ cho người lao động. Được sự quan tâm, hướng dẫn của Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sumi Việt Nam là một trong hơn chục doanh nghiệp trong các KCN tỉnh đang tổ chức cho nhân viên, người lao động lưu trú theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” (1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở cố định đến nơi sản xuất, làm việc; 2 điểm đến là nơi ở của công nhân và nhà máy sản xuất của doanh nghiệp). Giải pháp này đã gỡ khó cho doanh nghiệp khi không thể triển khai mô hình “3 tại chỗ”.

Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Tổng Trưởng phòng Quản lý sản xuất, Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam cho biết: Sumi Việt Nam có hơn chục lao động ở Hà Nội thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” với nơi ở là khách sạn Mường Thanh (TP Phủ Lý). Hiện, công ty vẫn đang đặt phòng ở khách sạn để khi cần thiết sẽ tăng cường thêm lao động tham gia phương án này nhằm bảo đảm tiến độ sản xuất. Để bảo đảm phòng dịch trong triển khai thực hiện, công ty tổ chức đưa, đón nhân viên, người lao động bằng xe riêng. Đồng thời, bố trí tất cả các bữa ăn trong ngày tại công ty cho người lao động lưu trú. Đối với các ngày nghỉ cuối tuần, người lao động sẽ ăn tại khách sạn.

Duy trì được sản xuất, nhưng sau một thời gian triển khai, mô hình “3 tại chỗ” doanh nghiệp đã gặp một số khó khăn nhất định. Nhiều công ty gặp khó khăn khi công suất giảm nhưng chi phí vận hành nhà máy không giảm, thậm chí tăng cao. Doanh nghiệp cũng phát sinh thêm nhiều chi phí, như: xét nghiệm sàng lọc, mua trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống dịch, chi phí ăn, nghỉ của công nhân, chi phí hỗ trợ nhân viên, công nhân ở nhà máy và chi phí hỗ trợ lao động nghỉ việc. So với điều kiện sản xuất bình thường, việc thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” khiến nhiều doanh nghiệp phát sinh thêm hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, do thời gian ăn, nghỉ tại chỗ kéo dài khiến nhiều lao động gặp khó khăn vì còn vướng bận gia đình, con nhỏ. Số người lao động xin trở về nhà ngày một tăng lên. Ông Kim Sung Ju, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng Văn I (thị xã Duy Tiên) bày tỏ: Công ty đang tổ chức cho 270 lao động lưu trú tại nhà máy để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục khai báo tạm trú cho người lao động. Do đó, chúng tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để người lao động được lưu trú làm việc trong khi chưa thể bổ sung ngay các giấy tờ, thủ tục theo quy định. 

Việc thực hiện “3 tại chỗ” vừa đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp, vừa yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho doanh nghiệp, người lao động. Tại Hà Nam, thể hiện sự quan tâm, động viên doanh nghiệp, người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, các cấp công đoàn, nhất là Công đoàn các KCN tỉnh đã đến thăm, tặng quà doanh nghiệp và công nhân lao động. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để phục hồi sản xuất; các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động trong các KCN, công nhân “ở tuyến đầu” sản xuất tại những đơn vị thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp có số lượng công nhân nhiều, đối tượng lao động ở vùng dịch; thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục, giấy tờ hành chính không thực sự cần thiết. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương rà soát, cập nhật tình hình khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho các doanh nghiệp trong KCN tiếp nhận lao động sinh sống tại các địa phương, khu vực đang thực hiện Chỉ thị 15 đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng Covid-19 được trở lại tỉnh Hà Nam làm việc hằng ngày mà không phải cách ly y tế…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.