Nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất '3 tại chỗ'

Từ cuối tháng 9/2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn TP Phủ Lý nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển sang sản xuất “3 tại chỗ”. Phương án này đã giúp các doanh nghiệp vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Trong khoảng gần một tuần qua, Công ty Dệt Hà Nam ở KCN Châu Sơn (Phủ Lý) đã chuyển sang sản xuất “3 tại chỗ” nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất hiệu quả. Tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp có hơn 700 công nhân, được chia thành 2 ca làm việc trong ngày. Để bảo đảm cho công nhân lao động ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp, Công ty Dệt Hà Nam đã sửa toàn bộ kho chứa nguyên vật liệu, lắp trần, lắp hệ thống phun nước làm mát, xây nhà vệ sinh khép kín, bố trí máy giặt, máy sấy… bảo đảm cho công nhân có chỗ ăn ở tốt nhất. 

Bà Nguyễn Thị Phương, Cán bộ hành chính Công ty Dệt Hà Nam cho biết: Để đối phó với dịch Covid – 19 và duy trì sản xuất ổn định, công ty đã phải triển khai các phương án, xây dựng kế hoạch sản xuất tới từng phân xưởng. Trước hết, lấy ý kiến của công nhân, đăng ký ở lại làm việc, bố trí chỗ ăn ở cho từng người, bảo đảm lâu dài. Đối với công nhân đang nuôi con nhỏ, phụ nữ có thai, các trường hợp thuộc diện cách ly, công ty không khuyến khích đăng ký làm việc “3 tại chỗ”. Trên cơ sở đó, đã có hơn 700 công nhân của doanh nghiệp đăng ký ở lại làm việc; công ty đã bố trí 900 giường gấp phục vụ cho công nhân. Mỗi công nhân hằng ngày được bố trí ăn đủ 3 bữa, trong đó chất lượng dinh dưỡng bảo đảm tốt hơn ngày bình thường để bảo đảm sức khỏe vừa sản xuất, vừa chống dịch. Thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, công ty đã duy trì được sản xuất ổn định, không ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu sợi đã ký kết với đối tác.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện  sản xuất 3 tại chỗ
Công nhân Công ty Dệt Hà Nam thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.

Cũng như Công ty Dệt Hà Nam, Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng) đã chuyển sang sản xuất “3 tại chỗ” với một số bộ phận. Cụ thể, công ty đã bố trí chỗ ở cho bộ phận vận hành trung tâm và các đơn vị khối sản xuất ở tập trung tại công ty không về gia đình trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong công tác phòng chống dịch, công ty bố trí lực lượng đo thân nhiệt; tổ chức xét nghiệm cho cán bộ, công nhân viên; phun khử khuẩn, phát khẩu trang phòng dịch cho cán bộ, nhân viên; bố trí cho cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên và làm việc online. Ngoài các giải pháp trên, công ty còn quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền nơi ở và nơi làm việc trong việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. 

Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn nhất vẫn là các ngành kinh doanh du lịch lữ hành, khách sạn, vận tải hành khách, xuất nhập khẩu hàng hóa, dệt may, sản xuất thép. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc hoặc làm việc thay ca. Trước tình trạng các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành nắm bắt kịp thời những khó khăn của từng nhóm doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh tập trung giải quyết. Đồng thời, UBND tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất “3 tại chỗ”. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp triển khai sản xuất “3 tại chỗ” cho tất cả cán bộ, công nhân viên và một phần cán bộ, công nhân viên ăn, ở và làm việc tại các doanh nghiệp. Triển khai tiêm vắc-xin cho phần lớn công nhân tại các doanh nghiệp, tổ chức xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân nhiễm Covid – 19. 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thường xuyên nắm bắt thông tin từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, tham mưu UBND tỉnh tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời lắng nghe ý kiến phản ánh từ phía các nhà đầu tư, chỉ đạo các ngành tập trung vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, gắn với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.