Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN) như: ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, đất đai, nguồn nhân lực… nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, phát triển CCN.

Số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong những năm gần đây vào các CCN trên địa bàn tỉnh có sự cải thiện đáng kể. Hiện, 17 CCN đang hoạt động đã thu hút 185 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh (trong đó có 14 doanh nghiệp FDI) với số vốn đăng ký trên 12.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 12.000 lao động, tăng hơn 3.000 lao động so với năm 2015.

Nâng cao hiệu quả quản lý các CCN, từ năm 2015, Sở Công thương đã thực hiện thí điểm quản lý 4 CCN: Nam Châu Sơn, Kim Bình, Tiên Tân (thành phố Phủ Lý) và Thanh Hải (Thanh Liêm). Trong 3 năm (2015-2018), Sở đã giúp cho 23 dự án bổ sung đủ thủ tục, nâng số dự án đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trong 4 CCN này lên 43/47 dự án.

Công ty cổ phần may Đức Hạnh (CCN Bình Lục) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Sở Công thương đã thành lập Ban đại diện các doanh nghiệp trong CCN để triển khai công tác vệ sinh môi trường, sửa chữa cống rãnh, nền đường, an ninh trật tự, vận hành chiếu sáng…

Ông Đinh Hữu Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hải Đăng, Trưởng Ban đại diện CCN Kim Bình cho biết: Việc thành lập và đi vào hoạt động của ban đại diện CCN đã giúp cho các hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn, nhất là trong việc bàn bạc, thảo luận, xử lý các vấn đề chung trong cụm (kinh phí lắp đặt, sử dụng điện, lắp đặt hệ  thống nước sạch, thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường). Qua đó, cũng giúp các doanh nghiệp đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành quy định chung.

Bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương khẳng định: Hiện nay, đa số các đơn vị trong CCN đã chấp hành nghiêm các yêu cầu về hoàn thiện thủ tục, chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, hoạt động theo đúng ngành nghề đăng ký. Hạ tầng các CCN có sự chuyển biến rõ rệt. Trong số 17 CCN đang hoạt động có 10 CCN đã và đang tiến hành lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch (tăng 3 CCN so với năm 2015), 2 CCN đã xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, 8 CCN vận hành hệ thống chiếu sáng (tăng 8 CCN so với năm 2015)… Doanh thu năm 2017 tại các CCN ước đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2016. Tổng số nộp ngân sách năm 2017 đạt trên 317 tỷ đồng, tăng 59,7% so với năm 2016.

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 25/8/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tích cực tham mưu những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình phát triển, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư… Tại các CCN hiện nay, khoảng 90% số doanh nghiệp đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Các hộ kinh doanh tích cực chuyển đổi mô hình quản lý sang thành lập doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương:

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Hà Nam có 18 CCN với tổng diện tích  quy hoạch là 359 ha. Trong đó, có 17 CCN tiếp tục được rà soát điều chỉnh quy hoạch và 1 CCN bổ sung quy hoạch. Để các CCN phát triển nhanh, đúng hướng, Sở Công thương đang triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; phổ biến các văn bản liên quan về CCN và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về CCN; đồng thời, đề nghị rút khỏi danh sách 4 CCN do không còn phù hợp để phát triển.

Ông Chu Thế Định, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN Duy Tiên:

Huyện Duy Tiên đã xây dựng được 2 CCN là CCN Cầu Giát và CCN Ngọc Động, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Những năm qua, trung tâm đã làm tốt công tác duy tu, nâng cấp hạ tầng trong các CCN, điển hình như: nâng cấp đường của CCN Ngọc Động; tu bổ một số nắp cống của CCN Cầu Giát; thường xuyên kiểm tra, xử lý, vận hành, khai thác hiệu quả trạm xử lý nước thải tập trung tại CCN Cầu Giát… Bên cạnh đó, trung tâm còn theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường; là đầu mối giúp các doanh nghiệp trong CCN tuyển dụng lao động, thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp…

Ông Đinh Thanh Sỹ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Bảng:

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào CCN, Kim Bảng đã giúp các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tích cực chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác phối hợp quản lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định của pháp luật… Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện khá hiệu quả mô hình thí điểm tập trung nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với CCN Nhật Tân. Theo đó, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành rà soát, hướng dẫn các nhà đầu tư trong CCN hoàn thiện thủ tục theo quy định. Đối với các nhà đầu tư vi phạm về xây dựng, sử dụng đất, UBND huyện đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi đất.

Quá trình phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong thu hút đầu tư nhưng vẫn còn không ít bất cập như: một số CCN hoạt động nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch hiện trạng; quy mô, năng lực của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn hạn chế; một số dự án triển khai xây dựng còn chậm so với kế hoạch; cơ sở hạ tầng của một số CCN chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; chưa xây dựng được lộ trình đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung đối với các CCN…

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố đang tập trung vận động những doanh nghiệp có năng lực đang hoạt động trong CCN thực hiện dịch vụ hạ tầng như: vệ sinh môi trường, vận hành điện chiếu sáng, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, xây dựng trạm xử lý nước thải, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có 50% số CCN có trạm xử lý nước thải tập trung.     

Như vậy, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, Hà Nam đang dần tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong phát triển CCN, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã giải quyết được nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.                  

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy