Lý Nhân nỗ lực giữ nghề truyền thống

Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, hiện trên địa bàn huyện có 43 làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề. Trước nhiều khó khăn, như: thu nhập từ làng nghề thấp, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, hoạt động hỗ trợ vốn vay còn hạn chế... lao động ở các làng nghề vẫn đang nỗ lực vượt khó, quyết tâm duy trì ngành nghề truyền thống của địa phương.  

Lý Nhân nỗ lực giữ nghề truyền thống
Mong muốn lớn nhất của người dân làng nghề bánh đa nem làng Chều là có mặt bằng phơi bánh.

Nghề làm bánh đa nem làng Chều ở xã Nguyên Lý là một trong số những làng nghề truyền thống nổi bật của huyện Lý Nhân. Theo ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều, nghề làm bánh đa nem ở làng Chều (nay là thôn Mão Cầu) tính đến nay đã hơn 700 tuổi. Năm 2003 làng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp. Năm 2011, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều chính thức được thành lập với 52 hộ tham gia. Đến nay, Hiệp hội đã phát triển lên 105 hội viên ở các thôn trong toàn xã.

Ngày trước, tất cả các khâu sản xuất như: xay gạo, tráng bánh, cắt bánh... đều phải làm thủ công nên năng suất thấp. Trong cơ chế thị trường hiện nay, để có thể cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập, người dân Nguyên Lý đã không ngừng cải tiến, đầu tư máy móc, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Hiện toàn xã có khoảng 700 hộ làm bánh đa nem với 170 dây chuyền tráng bánh, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. 

Về Nguyên Lý, qua tìm hiểu được biết, những năm qua, bánh đa nem làng Chều đã được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, như: Ba Lan, Nga, Pháp, Ý... Hằng năm, sản phẩm xuất khẩu chiếm từ 15-20% tổng sản lượng sản xuất của làng nghề; 40% sản phẩm làm ra được bán ở các siêu thị, khu du lịch, bếp ăn tập thể..., còn lại bán ở thị trường tự do. 

Nói về khó khăn của làng nghề, ông Tường chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, lượng bánh đa nem xuất khẩu giảm khoảng 60% so với những năm trước; hàng bán ở các siêu thị, khu du lịch, bếp ăn tập thể, thị trường tự do cũng giảm nhiều. Ngoài khó khăn về thị trường, người làng nghề còn đối mặt với khó khăn về nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, về mặt bằng để phơi bánh... Bao năm qua, đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người dân làng nghề vẫn yêu, gắn bó và nỗ lực không ngừng để duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Mong muốn lớn nhất của người dân Nguyên Lý hiện nay là có đủ mặt bằng để phơi bánh, có khu sản xuất tập trung để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường... 

Thôn Vũ Xá, xã Đạo Lý có tổng số 549 hộ dân, trong đó có trên 250 hộ làm nghề đan cót. Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng thôn Vũ Xá cho biết: Mặc dù mức thu nhập thấp, chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/người/tháng, nhưng ưu điểm của nghề đan cót là không đòi hỏi nhiều về sức khỏe nên từ người già đến trẻ em ai cũng có thể tham gia; lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, do đầu ra ngày càng bị thu hẹp dẫn đến thu nhập của người dân thấp, nhiều lao động chuyển sang làm các ngành nghề khác. Hiện chỉ còn một bộ phận người dân trong thôn, chủ yếu là lao động cao tuổi, hoặc phụ nữ không đủ điều kiện vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp còn gắn bó với nghề để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Qua khảo sát của cơ quan chức năng địa phương, 43 làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề ở Lý Nhân hiện được chia thành các nhóm ngành nghề: dệt, nhuộm; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ; nghề tre nứa dùng cho xây dựng, sản xuất, tiêu dùng và nghề cơ khí. Trong các nhóm ngành nghề trên, nhóm nghề dệt, nhuộm và chế biến gỗ cho thu nhập cao hơn, đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Các nhóm nghề còn lại thu nhập thấp hơn, đạt từ 2 đến hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy thu nhập không cao nhưng những năm qua, làng nghề ở Lý Nhân vẫn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân ở các địa phương.

Được biết, để duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, thời gian tới, Lý Nhân tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện công tác đăng ký, lập, thẩm định các dự án phát triển làng nghề. Nâng cao hiệu quả khai thác các cụm, điểm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN), làng nghề đã có, đồng thời tập trung chỉ đạo lập quy hoạch và triển khai xây dựng một số cụm CN mới. Phát triển các cụm TTCN – làng nghề của các xã trong huyện đã quy hoạch.

Xây dựng các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề. Tổ chức các cuộc tọa đàm, tham quan mô hình, thông qua các hình thức du lịch quảng bá văn hóa dân tộc hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, học hỏi trao đổi kinh nghiệm phát triển làng nghề, hội chợ thương mại, triển lãm để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề, hỗ trợ thông tin thị trường... Duy trì đẩy mạnh phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của huyện, như: dệt may, chế biến nông sản và các sản phẩm từ làng nghề TTCN như: chế biến thực phẩm, thêu ren, cơ khí, mộc... Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tranh thủ các nguồn đầu tư hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, phát triển nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới...

Hy vọng với các giải pháp tích cực trên, làng nghề, làng nghề truyền thống, TTCN của huyện Lý Nhân sẽ tiếp tục đứng vững, phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.