Làng nghề hối hả vào vụ Tết

Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đây cũng đang là thời điểm các làng nghề trong tỉnh hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.

Về làng nghề sản xuất bánh đa Phúc Hạ, xã Hợp Lý (Lý Nhân) những ngày này có thể thấy, các hộ sản xuất đã phải tăng cường thêm nhân công để bảo đảm tiến độ các đơn hàng cuối năm. Nhiều khu vực cánh đồng của thôn được phủ trắng các phên phơi bánh đa. Hàng làm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó, thậm chí nhiều hộ còn không có đủ lượng bánh để bán.

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Hạ 2 được biết, người dân Phúc Hạ 2 sản xuất bánh đa quanh năm nhưng Tết là vụ chính vì nhu cầu của thị trường tăng cao, giá bánh cũng cao hơn ngày thường khoảng 10-15%. Vài năm trở lại đây, các hộ làm nghề đã đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất nên đã giảm bớt công lao động, hình thức, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Làng nghề hối hả vào vụ Tết
Các hộ sản xuất bánh đa thôn Phúc Hạ 2, xã Hợp Lý, Lý Nhân đẩy mạnh sản xuất bánh trong những tháng cuối năm.

Hiện toàn thôn Phúc Hạ 2 có gần 20 hộ sản xuất bánh đa các loại. Trung bình mỗi ngày, một hộ sản xuất xấp xỉ 5 tạ bánh. Bánh đa của thôn được tiểu thương các nơi đặt mua nên nhiều năm nay, các hộ sản xuất của làng nghề không còn phải mang bánh đa ra chợ bán. Vào những tháng cuối năm, nhiều khách hàng ở miền Trung, miền Nam hay nước ngoài thường đặt mua bánh đa Phúc Hạ để làm quà biếu và ăn Tết. Vì vậy, từ hơn một tháng nay, các hộ sản xuất đã phải tăng công suất, sản lượng sản phẩm.

Cũng như các hộ sản xuất bánh đa khác ở thôn Phúc Hạ 2, thời điểm này, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Ánh như “ngồi trên đống lửa” vì số đơn đặt hàng lớn trong khi thời tiết thì cứ ngày mưa, ngày nắng. Anh Ánh cho hay: Bánh đa Phúc Hạ ngày càng nổi tiếng và được khách hàng khắp cả nước biết đến và gọi điện đặt mua hàng. Có nhiều khách hàng đặt mua cả tạ bánh từ đầu quý IV để tháng Chạp đem biếu người thân ăn Tết nên lượng bánh tiêu thụ tăng mạnh so với các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, cái khó của người làm nghề sản xuất bánh đa là phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do vậy, nhiều khi tôi phải từ chối đơn hàng vì sợ những tháng cuối năm mưa nhiều, không có bánh đúng hẹn cho khách. Để bảo đảm sản lượng bánh đạt tối thiểu 5-6 tạ/ngày, gia đình tôi đã chuẩn bị đủ gạo và các nguyên liệu khác để phục vụ sản xuất đến cuối năm âm lịch. Đồng thời, tăng cường thêm 2 lao động. Từ nay đến Tết Nguyên đán, gia đình tôi sẽ phải tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để tăng giờ làm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng dịp Tết.

Còn tại làng nghề sản xuất bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân), đây cũng đang là thời điểm “vàng” để các hộ dân đẩy mạnh sản xuất. Những ngày này, dọc các trục đường thôn, tấp nập các đoàn xe máy, xe ô tô ra, vào và chở bánh đi muôn nơi. Nhà nào nhà nấy đều hối hả làm việc, chuẩn bị đủ hàng hoá phục vụ thị trường Tết. Người thì đóng gói hàng hoá, người thì phơi bánh, ngâm gạo, xay bột hay vệ sinh các phên bánh… tạo không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp.

Làng nghề hối hả vào vụ Tết
Bánh đa nem làng Chều vào vụ Tết. Ảnh: Thế Trang

Ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều và cũng là một trong số những hộ sản xuất, thu mua bánh đa quy mô lớn ở làng nghề cho biết: Mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất, tiêu thụ trên 1 tấn bánh đa nem ra thị trường. Sản phẩm bánh đa nem làng Chều được các nhà hàng, hộ dân sử dụng nhiều vào dịp Tết. Do đó, 2 tháng giáp Tết là thời điểm làng nghề không phải lo về khâu thị trường đầu ra nhưng lại  chịu áp lực lớn về đơn hàng tăng cao. Hiện nay, các hộ đều đang phải chạy đua với thời gian, tranh thủ những ngày thời tiết có nắng để tăng công suất, sản lượng bánh làm ra mỗi ngày lên khoảng 30% so với những tháng khác trong năm.

Nếu như vào các tháng khác trong năm, người dân làng nghề sản xuất bánh đa nem ở xã Nguyên Lý chỉ phơi bánh vào các buổi sáng trong ngày thì vào thời điểm này, do sản lượng bánh tăng cao nên người làm nghề phải tận dụng cả cái nắng của buổi chiều để phơi bánh. Theo đồng chí Trần Quang Thao, Bí thư Đảng uỷ xã Nguyên Lý, toàn xã hiện có khoảng 600 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh bánh đa nem với 172 máy tráng bánh các loại. Bình quân mỗi ngày, toàn xã tiêu thụ ra thị trường trên 20 tấn bánh đa nem các loại. Riêng trong 2 tháng cuối năm âm lịch, lượng bánh đa nem toàn xã tiêu thụ đạt 25-30 tấn/ngày do các siêu thị, nhà hàng tăng lượng bánh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Từ lâu, Hà Nam đã được biết đến là địa phương tập trung nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hà Nam hiện có 58 làng nghề, làng nghề truyền thống và 54 làng có nghề với tổng số trên 10.100 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh. Bình quân mỗi năm, doanh thu của các cơ sở sản xuất trong làng nghề đạt trên 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động. Dịp cuối năm, ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, cơ khí… cũng tất bật vào vụ sản xuất cuối năm để đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, các làng nghề còn mang đến nét đẹp văn hoá đặc trưng với những sản phẩm độc đáo, đặc sắc của vùng đồng bằng chiêm trũng.          

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.