Hội nghị trực tuyến về việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Sáng 15/4, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tới dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban ngành chức năng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tại điểm cầu Hà Nam, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành chức năng và Công ty Điện lực Hà Nam. 

Hội nghị trực tuyến về việc hoàn thiện Quy hoạch phát triên điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Mục tiêu lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm: phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân; phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021-2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045. Đồng thời, trong quy hoạch tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một cách hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.

Trong thời gian tới, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương, phải dự báo được tình hình trong nước, ngoài nước tác động như thế nào để Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sát thực tiễn, có thể chủ động điều hành quy hoạch một cách thích ứng, linh hoạt và hiệu quả nhất. Cần phân tích toàn diện về địa chính trị, địa kinh tế và xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, đánh giá về giá cả năng lượng, bảo vệ môi trường…

Bộ Công thương phân tích kỹ hiện trạng các nguồn năng lượng từ rẻ nhất đến đắt nhất và nghiên cứu xu thế trong thời gian tới. Xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng nào trong từng thời kỳ quy hoạch để có hiệu quả kinh tế chung tốt nhất, gắn với việc bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện vùng, miền, quốc gia.

Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tổ chức thực hiện. Việc tính toán cân đối cung - cầu theo vùng, miền và toàn hệ thống điện quốc gia phải tối ưu nhất, cơ cấu nguồn điện hợp lý và hiệu quả kinh tế chung cao nhất, nhằm giảm truyền tải điện xa và giảm đầu tư lưới truyền tải liên vùng.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy