Hà Nam thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản

Hầu hết các nhà đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào Hà Nam đều thực hiện dự án theo đúng cam kết, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho nhiều lao động và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Năm 2019, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 57 dự án FDI với tổng vốn đăng ký và điều chỉnh gần 830 triệu  USD, nâng tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh lên 295 dự án với tổng số vốn đăng ký và điều chỉnh gần 3,6 tỷ USD.  Số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng thứ 2 trong số các nước có doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh (sau nhà đầu tư Hàn Quốc). 

Lắp ráp động cơ xe máy tại Công ty TNHH Honda Việt Nam, KCN Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên).

Theo tổng hợp hiện toàn tỉnh có 96 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản (trong đó có 77 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 19 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng), chiếm 32,5% tổng số dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 950 triệu USD, chiếm 26,5% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, đóng góp ngân sách lớn cho Nhà nước và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 

Điển hình như Công ty Honda Việt Nam, Chi nhánh Đồng Văn đến thời điểm này tổng nguồn vốn đầu tư gần 160 triệu USD. Nhà máy sản xuất xe máy số 3 của Công ty Honda Việt Nam tại KCN Đồng Văn II, (thị xã Duy Tiên) có diện tích hơn 270.000m2, được đưa vào hoạt động từ năm 2014. Nhà máy có 7 phân xưởng, gồm phân xưởng lắp ráp cụm động cơ, lắp ráp xe hoàn thành, đúc phụ tùng động cơ, gia công phụ tùng động cơ, gia công ép nhựa, xưởng sơn và xưởng hàn. Tất cả các phân xưởng được trang bị máy móc hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Năm 2019, nhà máy đã nâng công suất lên 750 nghìn xe/năm, nộp ngân sách cho Nhà nước hơn 1.400 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản, nộp ngân sách cho Nhà nước cao nhất tỉnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cũng là doanh nghiệp đầu tư hiệu quả tại Hà Nam. Tiền thân của doanh nghiệp này là một công ty con ở nước ngoài của Tập đoàn Sumitomo Wiring Systems. Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam khánh thành nhà máy sản xuất ở Hà Nam và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2009 tại KCN Đồng Văn II, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại bộ dây đa dạng dùng trong ngành công nghiệp ô tô, thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. 

Ngoài Công ty Honda Việt Nam, Chi nhánh Đồng Văn, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản lớn, như: Tập đoàn YKK, Công ty Honda Lock... Đặc biệt, tỉnh còn xây dựng KCN Đồng Văn III giai đoạn I, có diện tích 131 ha chuyên thu hút các nhà đầu tư của Nhật Bản.

Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, ưu điểm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hà Nam là luôn chấp hành đầy đủ những cam kết về đầu tư, trong đó nổi bật là tiết kiệm đất, xây dựng nhà xưởng sản xuất theo quy hoạch được phê duyệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường và thực hiện tốt nhất chế độ, chính sách đối với người lao động.

Về sản xuất, năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tỉnh đạt 38.027 tỷ đồng, chiếm 54,2% giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI và chiếm 35,47% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Đóng góp ngân sách đạt 2.005 tỷ đồng, chiếm 70,9% thu ngân sách của các doanh nghiệp FDI và chiếm 21,06% tổng ngân sách toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu đạt 694 triệu USD, chiếm 24,5% so với giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, chiếm 19,96% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong năm 2019, tỉnh đã triển khai xây dựng thêm KCN Đồng Văn III giai đoạn 2, KCN Châu Sơn mở rộng, KCN Thanh Liêm giai đoạn 2, KCN Thái Hà để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục thực hiện phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, duy trì và thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư; quan tâm công tác đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng các dịch vụ (điện, nước sạch, nước thải, an toàn giao thông...) cung cấp cho các doanh nghiệp, lắng nghe và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. 

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư; sử dụng đất được giao tiết kiệm và hiệu quả; triệt để tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, khai thác tốt thị trường nội địa và xuất khẩu; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống người lao động trong doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy