Để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong các giải pháp hiệu quả nhằm kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản chất lượng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa hàng cung ứng và giới thiệu nông sản sạch, nông sản an toàn. Có điều, lượng nông sản được đưa vào chuỗi cung ứng này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Làm thế nào để phát triển, mở rộng thêm các chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị nông sản là vấn đề cần được quan tâm. 

Để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Nông sản tại Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn Hà Giang.

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Quá trình này phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất, có thể truy xuất được nguồn gốc trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Thời gian qua, UBND tỉnh khuyến khích các huyện, thành phố, thị xã có cơ chế hỗ trợ xây dựng các cửa hàng giới thiệu và bán nông sản an toàn, nông sản sạch.  Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 cửa hàng giới thiệu nông sản hoạt động ở các quy mô khác nhau. 

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn Hà Giang tại số nhà 149, Đường Nguyễn Viết Xuân là một trong số ít những cửa hàng giới thiệu nông sản ở thành phố Phủ Lý hoạt động hiệu quả. Bà Ngô Thị Giang, chủ cửa hàng cho biết: Mục tiêu ban đầu khi thành lập cửa hàng là hỗ trợ nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất nông sản an toàn, nông sản sạch. Tuy nhiên, hiện tại, cửa hàng có nhiều mặt hàng nông sản tươi sống, hoặc đã qua sơ chế, chế biến, như: bắp cải được sản xuất ở Mộc Châu; cà chua, khoai tây, măng tây, xà lách ở Đà Lạt; cam Đồng Tháp; cá thu Phú Quốc... Còn tỷ lệ nông sản có nguồn gốc tại tỉnh ta chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các nông sản đang được giới thiệu và phân phối tại cửa hàng. 

Bà Ngô Thị Giang cho biết thêm: Các nhà sản xuất cung cấp sản phẩm cho cửa hàng chúng tôi đều có hệ thống phân phối chuyên nghiệp, đó là các HTX hoặc công ty. Sản phẩm được đưa vào chuỗi cung ứng đều có sự giám sát chặt chẽ từng khâu và có đầy đủ nhãn mác, nhà phân phối chịu trách nhiệm. Đây là yếu tố cốt lõi để duy trì chuỗi cung ứng hiệu quả. Rất tiếc là yếu tố cốt lõi này với đại đa số nông dân ở tỉnh ta chưa làm được. Để sản phẩm có chỗ đứng và tồn tại trong chuỗi cung ứng, phải làm tốt nhiều khâu, từ khâu sản xuất đến xây dựng hệ thống phân phối và bán lẻ. Tỉnh ta có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng nông sản chất lượng tốt, nhưng nhiều nông sản không thể trụ vững trong chuỗi cung ứng. Một phần vì nông dân chưa có kế hoạch tổ chức sản xuất hiệu quả để đáp ứng đủ số lượng, chất lượng. Thêm vào đó, thiếu sự đa dạng về chủng loại sản phẩm. 

Cũng được thành lập cách đây khoảng 3 năm, cửa hàng nông sản Kim Bảng hoạt động với phương châm là cung cấp cho người tiêu dùng nông sản an toàn được sản xuất ở địa phương, rõ nguồn gốc. Song, khó ở chỗ, nông dân sản xuất quy mô nhỏ, chưa chú trọng đến đầu tư xây dựng tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… 

Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều mặt hàng nông sản không được đưa vào chuỗi cung ứng. Yếu tố chính làm cho một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng thường bị gãy lại nằm ngay ở quá trình sản xuất. Sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm là do còn tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiềm năng, thế mạnh nông sản của từng địa phương cũng chưa được quan tâm, khai thác hiệu quả, khâu quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế. Ổi Trác Văn đã từng được đưa vào chuỗi cung ứng trong hệ thống siêu thị của VinEco, nhưng cũng không giữ được vị trí quá lâu. 
Vì sao cần có liên kết chuỗi ở các HTX để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị, ông Nguyễn Đình Thành, người có nhiều năm nghiên cứu về HTX, hiện đang là giảng viên cao cấp Trường Bồi dưỡng cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam nhận định: Liên kết sẽ tạo lợi ích cho các bên, kể cả người sản xuất và người phân phối. Có nhiều yếu tố thúc đẩy liên kết chuỗi theo hướng ngang và liên kết dọc, như khuyến khích các tác nhân chuỗi tham gia vào các hội chợ thương mại và tổ chức triển lãm, tổ chức tham quan, hội thảo về bán sản phẩm... Để làm một cách bài bản, đòi hỏi HTX phải có chiến lược, định hướng để cải thiện chuỗi giá trị. 

Thời gian qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại đã được các ngành có liên quan phối hợp tổ chức, hỗ trợ đắc lực cho việc tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nông sản. Cuối năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hội nghị “Kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của HTX, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị năm 2019”. Tại hội nghị này, một số HTX và doanh nghiệp tham gia ký bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác để đưa nông sản vào chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Sở NN&PTNT đang phối hợp với Bưu điện tỉnh để đưa các sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) quảng bá trên sàn giao dịch điện tử. 

Trao đổi với chúng tôi về một số vấn đề có liên quan, nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cho rằng, với thực tế sản xuất ở tỉnh ta hiện nay, cần quan tâm đến xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm đối với nông sản thực phẩm, như: thịt lợn, thịt gà, cá và một số loại rau, củ, quả. Để làm được điều đó, cần phát huy vai trò của các HTX, các tổ chức nông dân trong việc ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để có sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phát triển thị trường; triển khai các chương trình để thúc đẩy và ưu tiên đối với ký hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có thể truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm được sản xuất tại tỉnh. Tăng cường cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại; ban hành quy trình sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực và thống nhất các tiêu chí, điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, chấm dứt việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Nông sản giá trị thấp là bởi còn chật vật đầu ra vì chuỗi liên kết cung cầu rời rạc. Để chuỗi cung ứng bền vững, cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và nhà phân phối gặp gỡ, kết nối hiệu quả nhằm đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt ra thị trường.

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy